- Cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc thu thuế từ các ông lớn Facebook, Google,... và cũng không thể kiểm soát được hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội ở Việt Nam, với hàng chục triệu người tham gia.
Thêm thu nhập, “đóng thuế” cho Facebook
Trong gần 2 năm qua, bên cạnh thu nhập ổn định từ công việc nhân viên văn phòng, chị Nguyễn Thị Thảo có thêm một nguồn thu hơn chục triệu đồng/tháng từ việc bán hoa quả Đà Lạt sấy khô trên Facebook.
Thu nhập từ công việc chính của chị Thảo chịu khá nhiều loại thuế, gián tiếp thì qua doanh nghiệp, sản phẩm của DN còn trực tiếp thì là thuế thu nhập cá nhân. Song, với nghề “tay trái”, chị không phải nộp một đồng thuế nào, chỉ phải trả tiền quảng cáo cho Facebook nếu muốn đẩy mạnh quảng bá bán hàng. Trong khi đó, những khoản thu từ các DN, hộ kinh doanh, cá thể như chị Thảo của Facebook chưa được đưa vào diện chịu thuế.
Kinh doanh trên các mạng xã hội ngày càng phổ biến. |
Trường hợp như chị Thảo có rất nhiều. Làn sóng làm thêm, mở cửa hàng riêng bán hàng qua mạng trở nên rầm rộ vài năm gần đây, khi một số mạng xã hội, trong đó có Facebook, ngày càng trở nên phổ biến, với vài tỷ người trên khắp thế giới tham gia.
Không chỉ cá nhân, nhiều doanh nghiệp gần đây sử dụng mạng xã hội (MXH) như một kênh chính thức để chào bán sản phẩm và dịch vụ.
Ông Nguyễn Đức Việt, chủ một trang trại lợn ở Ba Vì, Hà Nội, cho biết, vài năm qua, ông trả khá nhiều tiền quảng cáo cho Facebook để bán hàng, đưa thông tin về sản phẩm, hình ảnh trang trại lên mạng xã hội.
Ông Việt cho rằng, trong tương lai, nguồn thu của các MXH có thể tăng vọt do số lượng người dùng tăng hàng ngày. Hàng loạt giao dịch tự do trên các nhóm, hội có thể sẽ được MXH gom về đưa vào vòng quản lý.
Hiện tại, một lượng lớn các thành viên sử dụng nhóm, hội là nơi để trao đổi mua bán, chào bán sản phẩm, dịch vụ như: nhóm taxi dường dài giá rẻ, cộng đồng chủ xe Uber, Grab chạy ngoài luồng; Hội Ship tìm người, người tìm Ship; hội học dạy tiếng Anh, hội đồ cũ đồ mới; nhóm rao vặt,...
Gần đây, Facebook đã lộ rõ tham vọng nhảy vào lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) với động thái tích hợp tính năng mua bán trong các nhóm và bật tính năng shop trên fanpage có khung nội dung nhằm trưng bày hàng hóa hấp dẫn không kém gì một trang TMĐT.
Bán hàng qua mạng xã hội: Khó quản lý
Hoạt động kinh doanh trên MXH sôi động tới mức, nhiều DN trong lĩnh vực TMĐT cũng sử dụng MXH để bán hàng và quảng bá cho sàn TMĐT của mình. Mua bán lẻ nhiều khi không cần hóa đơn giấy tờ, do vậy, doanh thu thực tế của các MXH và cả các ông lớn TMĐT thông qua các MXH luôn là điều bí mật.
Khó khăn trong thu thuế các DN công nghệ. |
Riêng phần nổi của hoạt động TMĐT, theo Bộ Công Thương, doanh thu bán hàng qua hình thức TMĐT tại Việt Nam năm 2015 đạt 4,1 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014 và chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Doanh thu thực tế của nhóm TMĐT qua MXH là bao nhiêu thực tế không thể thống kê.
Vài năm gần đây, tại Việt Nam, nhiều gã khổng lồ bán lẻ TMĐT xuất hiện và phất lên nhanh chóng nhờ MXH: Lazada, Lingo, Sendo, Adayroi, Zalora,... Hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi trên "đại siêu thị" Facebook.
Trong tháng 4 vừa qua, gã khổng lồ Lazada (có trụ sở tại Singapore và doanh thu 1,3 tỷ USD) đã bán mình cho Alibaba Trung Quốc với giá lên tới cả tỷ USD, mở đường cho hãng TMĐT lớn nhất thế giới vào Việt Nam. Gần đây, Zalora Việt Nam cũng đã được bán cho tỷ phú Thái với giá 10 triệu USD.
Trên thực tế, việc thu thuế từ hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT không dễ và càng khó khăn hơn đối với hoạt động kinh doanh trên các MXH.
Theo Tổ chức ActionAid, tình trạng thất thu thuế ở Việt Nam khá phổ biến, không chỉ ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tập đoàn đa quốc gia được ưu đãi lớn, mà còn ở các DN và cá nhân trong nước.
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện ActionAid Việt Nam, cho rằng, thất thu thuế có thể đơn giản do một hành vi không chủ ý của người dân, như việc đi mua hàng hóa và dịch vụ mà không yêu cầu hoặc không lấy hóa đơn có tính thuế.
AAI cho rằng, việc chống thất thu thuế mang đến sự công bằng và sự phát triển cho xã hội. Sức mạnh của thuế nằm ở chỗ nó giúp nhà nước đầu tư cho các dịch vụ công, y tế, xóa đói giảm nghèo và đầu tư cơ sở hạ tầng. Đất nước phát triển nhờ vào nguồn thu thuế. Sức mạnh của thuế đang bị đe dọa bởi các hành vi lách thuế, trốn thuế, chuyển giá,...
V. Hà