CTCP Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) vừa công bố hoàn tất bán 20 triệu cổ phiếu quỹ từ 2/7 đến 31/7 với giá bình quân 64.370 đồng/cp, theo phương thức hoặc khớp lệnh. Giao dịch này giúp Petrolimex thu về gần 1,3 ngàn tỷ đồng.

Trước đó, hồi đầu năm, Petrolimex cũng đã bán 12 triệu cổ phiếu quỹ thu về hơn 700 tỷ đồng.

Như vậy, sau 2 đợt chào bán, Petrolimex đã thu về gần 2 ngàn tỷ đồng và giảm lượng cổ phiếu quỹ xuống còn khoảng 103 triệu đơn vị, tương đương 8% vốn. Lượng cổ phiếu lưu hành do đó cũng tăng lên tương ứng là 1,19 tỷ cổ phiếu.

Tính tới thời điểm hiện tại, Petrolimex có 2 cổ đông lớn là: Nhà nước (nắm giữ 75,87% vốn) và JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam (nắm giữ 8%).

JX từ lâu muốn nâng sở hữu tại Petrolimex lên 20% và có thể cao hơn nữa. Trong khi đó, Nhà nước có kế hoạch sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Petrolimex xuống 51%.

Theo giải trình của Petrolimex, mục đích của đợt bán cổ phiếu quỹ là nhằm đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư cơ sở vật chất doanh nghiệp.

Trước đó, Petrolimex cho biết doanh nghiệp sẽ dùng nguồn vốn thu từ các đợt bán cổ phiếu quỹ đầu tư công nghệ, nâng cấp, phát triển mở rộng mạng lưới bán lẻ xăng dầu và triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng tại hệ thống cửa hàng như dịch vụ tiện ích, đồ ăn nhanh, sửa chữa bảo dưỡng ôtô… 

{keywords}
Petrolimex thu hút sự quan tâm của NĐT Nhật.

Theo một kế hoạch được đưa ra tại ĐHCD Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông lớn có nguồn gốc nhà nước này đang nghiên cứu thành lập chuỗi cửa hàng tiện lợi để khai thác 5.200 cửa hàng xăng dầu hiện có.

Trong báo cáo cáo thường niên 2018, Petrolimex cho biết hiện doanh nghiệp có một mạng lưới rộng khắp 5.200 cửa hàng xăng dầu trải dài 63 tỉnh/thành phố trên cả nước, trong đó có khoảng 2.500 cửa hàng thuộc sở hữu của tập đoàn.

Đây được xem là một thế mạnh áp đảo của một doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu và cũng là cơ sở và một lợi thế rất lớn của Petrolimex nếu tập đoàn này tấn công vào lĩnh vực bán lẻ hàng hóa nói chung.

Petrolimex hiện vẫn được xem là cỗ máy in tiền hàng đầu trong mảng bán lẻ xăng dầu. Trong năm 2018, mặc dù giá dầu biến động mạnh và kinh tế thế giới chao đảo, Petrolimex vẫn vượt kế hoạch cả doanh thu và lợi nhuận.

Trong năm 2018, Petrolimex trở thành quán quân về doanh thu trên TTCK với hơn 190 ngàn tỷ đồng và chỉ thua một số ông lớn trong đó có Vinhomes về lợi nhuận. Trong vài năm gần đây, Petrolimex liên tục ghi nhận lãi kỷ lục sau một thời gian kinh doanh bấp bênh từ 2010-2014.

Bên cạnh cỗ máy in tiền xăng dầu, mảng bán lẻ hàng hóa mà Petrolimex đang nhắm tới cũng là một lĩnh vực rất hấp dẫn và thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng từng có kế hoạch đầu tư vào Petrolimex. HDBank của bà Thảo cũng đã vạch kế hoạch trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu nhờ hệ sinh thái khách hàng lớn đến từ Vietjet, Vinamilk, HD Saison và Petrolimex.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gần đây đẩy mạnh mở rộng mạng lưới các cửa hàng tiện lợi và đã bỏ xa các tập đoàn nước ngoài. Thị trường cửa hàng tiện lợi Việt Nam hiện đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á.

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài cũng đang đẩy mạnh mở rộng các hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình.

Theo Deloitte số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2012 với sự có mặt của rất nhiều ông lớn trong và ngoài nước như Vingroup, Saigon Co.Op, Circle K, B's Mart, Mini Stop, 7-Eleven, GS25...

Trong báo cáo mới đây của IGD, Việt Nam sẽ là thị trường bán lẻ cửa hàng tiện lợi tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm 2021 do nằm ở tỉ lệ đô thị hóa nhanh, dân số trẻ tăng nhanh, và thu nhập cũng tăng hơn.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu bluechips hồi phục mạnh giúp VN-Index lấy lại sắc xanh sau 3 phiên giảm sâu liên tiếp.

Một số cổ phiếu diễn biến tích cực gồm: Thế giới di động, Petrolimex, Vietcombank, Vinhomes, Hòa Phát, PVS…

Nhiều công ty chứng khoán tiếp tục đưa ra dự báo thận trọng.

Theo BSC, tâm lý nhà đầu tư trở nên bớt bi quan nhờ động thái trấn an thị trường của NHTW Trung Quốc. Tuy nhiên, trước vùng trũng thông tin trong thời gian tới đây, chỉ số sẽ tiếp tục dao động và rung lắc mạnh trong vùng giá 960-975 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/8, VN-Index tăng 1,32 điểm lên 965,93 điểm; HNX-Index đứng ở mức 101,89 điểm và Upcom-Index giảm 0,09 điểm xuống 58,22 điểm. Thanh khoản đạt 250 triệu đơn vị, trị giá 5,8 ngàn tỷ đồng.

V. Hà