Ăn theo độ nóng của bộ phim truyền hình Ấn Độ, nhiều điểm kinh doanh đã nhanh chóng in hình ảnh dàn diễn viên chính lên quần áo, dép, cốc, quạt... thu hút khá đông người mua.

Được quan tâm nhiều nhất tại các cửa hàng hiện nay là những đồ vật có hình ảnh cô bé Anandi, nhân vật trung tâm của bộ phim. Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ Ngã Tư Sở, Phùng Khoang hay Nhà Xanh, mỗi sản phẩm trên có giá chỉ 20.000-120.000 đồng.

Chị Trần Viên, chủ một cửa hàng tại chợ Phùng Khoang (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bộ quần áo hè ngắn tay cho bé gái in hình cô bé Anandi đang được nhiều người ưa chuộng. Theo chị Viên, đây là mẫu sản phẩm đang bán tốt nhất tại cửa hàng. Chỉ trong một tuần, chị Viên bán hết hơn 100 bộ quần áo in hình Anandi, gấp 2 lần các mẫu sản phẩm khác.

Chị Nguyễn Thị Thanh (Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội) vừa mua bộ quần áo mùa hè in hình Anandi làm quà cho con gái nhân dịp vào lớp 1. Chị cho biết, chất liệu quần áo hàng chợ chỉ ở mức trung bình và có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy thế, chị vẫn mua vì trên chiếc áo có in hình Anandi, nhân vật chính trong bộ phim con gái chị rất thích.

"Ngày nào con tôi cũng chờ xem phim 'Cô dâu 8 tuổi' chiếu lúc 20h. Cháu đặc biệt thần tượng nhân vật Anandi nên bắt chước từ kiểu buộc tóc, cách hỏi chuyện, thậm chí là một vài câu cửa miệng", chị Thanh cười nói.

{keywords}

Sản phẩm in hình nhân vật Anandi trong phim "Cô dâu 8 tuổi" đang được bán khá nhiều tại các chợ.

Khi thấy trên mạng xã hội bàn tán rầm rộ về "Cô dâu 8 tuổi" cùng cô bé Anandi, anh Nguyễn Thanh Phong, chủ cửa hàng lưu niệm nảy ra ý tưởng in hình ảnh cô bé này lên các sản phẩm như áo, gối, cốc để bán. Mỗi sản phẩm có giá 60.000-150.000 đồng. Khách mua hàng là các bạn nhỏ, học sinh, sinh viên. Một số phụ huynh cũng đặt in gối làm quà cho con.

Ngoài Anandi, hình ảnh nhân vật Jagdish cũng được nhiều khách hàng đặt in. Anh Phong cho biết, gần đây, nhiều cửa hàng cũng đặt in hình nhân vật này cho hàng trăm mẫu áo về bán.Với kinh nghiệm bán hàng lâu năm, anh Phong cho rằng, người bán hàng phải luôn bắt kịp với các trào lưu đang thịnh hành. Trước đây, anh từng thu được một khoản tương đối khá khi bán áo, cốc có in hình cầu thủ Huỳnh Đức, Hồng Sơn và một số diễn viên phim Hàn Quốc được quan tâm.

Mới đây, dịp SEA Games 28, anh Phong cũng đã nhận được một đơn hàng lên đến 400 chiếc áo in số, tên cầu thủ Công Phượng. Tuy nhiên, theo anh Phong, việc ăn theo các trào lưu "hot" thường chỉ có hiệu quả trong một thời gian ngắn, khi nó nở rộ. Vì thế, người làm kinh doanh phải tận dụng cơ hội để quảng bá sản phẩm nhanh và rộng rãi.

Ăn theo sức nóng của “Cô dâu 8 tuổi”, nhiều điểm bán hàng trực tuyến cũng tranh thủ sử dụng cụm từ “Ôi, thần linh ơi!”, hay hình ảnh nhân vật Anandi, Jagdish để quảng cáo, hút khách mua hàng.

Phương Linh (TP HCM), chủ một hàng giầy dép trên mạng cho biết, nhờ "đôi dép thần thánh" in hình Anandi, lượng truy cập trang bán hàng của chị tăng đáng kể. Có rất nhiều người hỏi mua nhưng chị buộc phải từ chối với lý do cháy hàng.

Linh tiết lộ, chị thực chất không bán sản phẩm này. Hình ảnh đôi dép in hình Anandi được chị sao chép trên Facebook của một người bạn chụp ở chợ. Chị đăng bán với mục đích quảng cáo trang bán hàng của mình.

{keywords}

Đôi dép có hình nhân vật Anandi trong phim "Cô dâu 8 tuổi" được rao bán giá 80.000 đồng trên trang cá nhân. Ảnh: NVCC.

Lên sóng từ tháng 10/2014, song những ngày gần đây, bộ phim "Cô dâu 8 tuổi" bỗng trở thành một chủ đề được bàn luận sôi nổi, khi có thông tin bộ phim dài đến gần 2.000 tập. Phần đông ý kiến cho rằng, phim quá dài khiến người xem có cảm giác mệt mỏi.

Tuy thế, không thể phủ nhận được độ hấp dẫn của bộ phim cũng như doanh thu “khủng” mà nó mang lại cho đơn vị khai thác. Theo thông tin từ TodayTV, kênh truyền hình đang phát bộ phim này, giá quảng cáo khung giờ chiếu “Cô dâu 8 tuổi” đang là cao nhất, dao động 40-50 triệu cho 30 giây. Các chương trình, phim thông thường khác có giá quảng cáo chỉ 12 triệu đồng. Trước và trong một tập phim có 3 lần quảng cáo, mỗi lần 5 phút. Trừ chiết khấu, số tiền nhà đài thu về đã lên tới khoảng 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, vì phim quá dài, bắt đầu từ 27/6, nhà đài đã tăng thời lượng chiếu lên 2 tập một ngày. Theo đó, số tiền thu được từ quảng cáo có thể tăng gấp đôi.

Việc ăn theo trào lưu các phim “hot” từ lâu đã được nhiều đơn vị kinh doanh áp dụng. Còn nhớ, sau "Hoàn châu cách cách", “Tây du ký”…, hàng loạt sản phẩm như quần áo, sách vở, giày dép cho đến đồ chơi, phụ kiện ăn theo được bày bán phổ biến trên thị trường. Hay vào dịp SEA Games, những chiếc áo mang số, tên các cầu thủ của Huỳnh Đức, Hồng Sơn... cũng từng được chào bán với giá cao vẫn thu hút đông đảo khách hàng bỏ tiền sở hữu.

(Theo Zing)