Cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị 08/CT-TTg để đốc thúc các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, một lần nữa thể hiện quyết tâm của Thủ tướng trong phát triển các dự án trọng điểm.

Trong năm nay, số vốn đầu tư công lên đến 711 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022 và là mức vốn kỷ lục trong bối cảnh có các tuyến đường cao tốc được tiếp tục xây dựng. Trước áp lực khối lượng vốn đầu tư công lớn hơn, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% số vốn.

Chỉ thị 08 thừa nhận, “thách thức” đối với việc giải ngân là nhiều hơn “thuận lợi”, đặc biệt là áp lực giá vật liệu xây dựng đã làm tăng chi phí đầu vào.

Như vậy, nguyên nhân quan trọng đã được xác định rất rõ ràng, cụ thể trong Chỉ thị. Trong bối cảnh đó, chuyện thiếu mỏ đất để làm đất lót đường đang là một trong những nút thắt bậc nhất, gây cản trở việc thực hiện các dự án giao thông công.

Có nhiều địa phương có mỏ đất nhưng không muốn bán cho các dự án cơ sở hạ tầng dùng vốn ngân sách, ví dụ các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam vì giá thấp, vì nhiều nguyên nhân khác liên quan đến lợi ích của địa phương và vì, dễ nói nhất, là bất cập chính sách.

Xin nêu một ví dụ.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100 km đi qua tỉnh Bình Thuận có vốn đầu tư gần 11.000 tỉ đồng. Hiện sản lượng đã hoàn thành 75% so với hợp đồng. Từ cuối tháng 12.2022 đến nay, dự án thiếu hơn 900.000 m3 đất đắp nền để làm đường gom dân sinh, các cầu vượt bắc ngang qua tuyến cao tốc.

Trước thực tế đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 31 ngày 7/3, trong đó cho phép UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, “cấp lại” giấy phép khai thác 6 mỏ đất để thi công cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết.

Chuyện mỏ đất để làm đất lót đường đang là một trong những nút thắt bậc nhất, gây cản trở việc thực hiện các dự án công. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Báo chí tường thuật, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chiều 15.3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng cho rằng, địa phương chưa thể thực hiện những nội dung được phép trong Nghị quyết 31 nêu trên.

Lý do là từ "cấp lại" không có trong quy định pháp luật về khoáng sản, chỉ có "gia hạn" hoặc "cấp mới". Do đó, có thể hiểu nghị quyết của Chính phủ là cho "cấp mới" giấy phép, tức các chủ mỏ lại phải thực hiện đến 12 thủ tục, sẽ rất khó khăn. Nếu trừ đi 2 thủ tục được miễn theo Nghị quyết 31 là không phải lập lại thủ tục đầu tư dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường thì 10 thủ tục còn lại vẫn phải thực hiện, nhanh nhất cũng mất 6 tháng.

Như vậy không thể kịp tiến độ 30.4.2023. Ngoài ra, theo quy trình thủ tục, muốn cấp mới giấy phép, tỉnh phải làm thủ tục đóng cửa mỏ trước và phải phục hồi môi trường, sau đó mới làm các thủ tục tiếp theo. Trong khi đó, đầu tháng 5 là mùa mưa đến, lúc này lại tiếp tục khó khăn ở vấn đề thời tiết bởi mưa thì không thể thi công.

Trước thực tế đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận làm báo cáo kiến nghị Chính phủ cho phép UBND tỉnh gia hạn giấy phép khai thác 6 mỏ đất đặc thù nêu trên. Phía Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ có văn bản kiến nghị để Chính phủ xem xét.

Câu chuyện trên giúp đưa ra một ví dụ sinh động từ thực tiễn: chỉ một từ “cấp lại” nêu trong nghị quyết, không đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, mà có thể làm cho dự án trọng điểm này kéo dài thêm 6 tháng.

Đó là điều cần rút kinh nghiệm sâu sắc sau khi đã có nhiều nghị quyết, công điện được ban hành; nhiều cuộc họp, hội toàn quốc được tổ chức; 6 tổ công tác của Thủ tướng được thành lập… để thúc đẩy các dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó, còn hàng loạt các khó khăn khác như giá vật tư, nhân công, nhiên liệu đều tăng cao so với dự toán, làm kìm hãm triển khai các dự án đầu tư công.

Trong khi đó, Chỉ thị 08 thừa nhận, hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng ở 07 lĩnh vực (đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công) còn bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn… mỗi một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến các khâu sau và toàn bộ dự án.

Để giải quyết các vướng mắc đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trong Chỉ thị 08 yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nhiệm vụ như sau:

Tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến quy trình cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, sỏi cho dự án đầu tư công, bảo đảm nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, để có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu: Thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại; xác định vị trí, diện tích bãi đổ thải sử dụng cho các dự án.

Đầu năm nay, 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đồng loạt khởi công, thể hiện quyết tâm và sứ mệnh vô cùng lớn: hoàn thành con đường cao tốc trong mơ nối liền toàn trục cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Cao tốc này và các dự án hạ tầng quan trọng khác bằng vốn đầu tư công là dấu ấn quan trọng nhất của nhiệm kỳ này. Vì lẽ đó, cần quyết tâm và hành động của toàn hệ thống trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay.

Tư Giang