Đối với phản đối của Trung Quốc liên quan đến nghĩa vụ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc quy định tại DOC và các văn kiện song phương khác, Toà cho rằng DOC chỉ là một văn kiện chính trị không có giá trị ràng buộc pháp lý đối với các bên.

LTS: Vòng xét xử tiếp theo của vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tranh chấp tại Biển Đông đang diễn ra tại The Hague (Hà Lan) từ 24-30/11. Đây là lúc cùng nhìn lại một số nội dung chính của phán quyết về thẩm quyền của Toà trọng tài để có thể hiểu được Toà sẽ phải xem xét thêm những gì trong giai đoạn tranh tụng tới đây về vấn đề nội dung để có được phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ tuyên vào năm 2016.

Kỳ 1: Mưu đồ chính trị của Trung Quốc trên Biển Đông

Lập luận phản đối thẩm quyền của Trung Quốc

Trong bản Văn kiện lập trường của mình, Trung Quốc đã nêu rõ:

- Bản chất của tranh chấp là chủ quyền lãnh thổ đối với một số cấu trúc địa lý ở Biển Đông, do đó vấn đề này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước và không liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước;

- Ngay cả khi tranh chấp này liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước, thì nội dung của tranh chấp là một phần không tách rời của phân định biển giữa hai nước;

- Philippines đã vi phạm nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp đàm phán được hai nước thoả thuận thông qua các văn kiện song phương và Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (“DOC”).

{keywords}
Người Philippines phản đối Trung Quốc về vấn đề biền đảo. Ảnh minh họa: AP

Lập luận của Toà đối với các phản đối thẩm quyền của Trung Quốc

Đối với các lập luận phản đối thẩm quyền được nêu trong bản Văn kiện lập trường của Trung Quốc, Toà đã bác bỏ cả 03 lập luận phản đối do Trung Quốc đưa ra, cho rằng:

- Các điểm đệ trình của Philippines không hề yêu cầu Toà phải quyết định vấn đề chủ quyền, mà chỉ yêu cầu Toà quyết định về quy chế của các cấu trúc ở Biển Đông.

Đây cũng là một lý do mà Toà cho rằng Toà có thể thụ lý vụ kiện mà không cần thiết có sự tham gia của Việt Nam – bên có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Theo Toà, do phán quyết không quyết định về vấn đề chủ quyền nên yêu sách của Việt Nam không bị xem xét và Toà có thể giải quyết tranh chấp mà không cần thiết phải xem xét các quyền lợi pháp lý hay nghĩa vụ của Việt Nam.

- Một tranh chấp liên quan đến “quyền có vùng biển” (“maritime entitlement”) khác với tranh chấp liên quan đến phân định biển.

Phân định biển chỉ được tiến hành giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp giáp và có sự chồng lấn về “quyền có vùng biển”, trong khi tranh chấp liên quan đến quyền có vùng biển có thể tồn tại ngay cả khi không có yêu sách chồng lấn.

Ví dụ như một quốc gia yêu sách các vùng biển nhưng các quốc gia khác lại cho rằng vùng biển đó có quy chế Biển cả hay Vùng theo quy định của Công ước.

- Đối với phản đối của Trung Quốc liên quan đến nghĩa vụ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc quy định tại DOC và các văn kiện song phương khác, Toà cho rằng DOC chỉ là một văn kiện chính trị không có giá trị ràng buộc pháp lý đối với các bên. Quan trọng hơn, DOC cũng không loại trừ khả năng các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp theo Phần XV của Công ước.

Toà cũng cho rằng, các tuyên bố chung, thoả thuận song phương khác, hay các thoả thuận mà cả Trung Quốc và Philippines đều tham gia ký kết như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác hay Công ước Đa dạng Sinh học cũng không loại trừ việc Philippines giải quyết tranh chấp với Trung Quốc dựa theo cơ chế của Công ước.

Các hạn chế và ngoại lệ đối với thẩm quyền của Toà theo quy định của Công ước

Ngoài các lập luận phản đối mà Trung Quốc đưa ra, Toà cũng xem xét thêm liệu các điểm đệ trình mà Philippines đưa ra có rơi vào các hạn chế tại Điều 297 và các ngoại lệ tại Điều 298 đối với thẩm quyền của Toà hay không.

Sau khi Toà đã xem xét 15 luận điểm của Philippines, và quyết định có thẩm quyền xét xử đối với 07 luận điểm có thể chia thành 03 nhóm:

- Nhóm 1 bao gồm các luận điểm 3,4,6,7 liên quan đến quy chế pháp lý của 08 cấu trúc ở Biển Đông.

Toà cho rằng có thẩm quyền đối với nhóm quan điểm này do đây là vấn đề liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 13 và Điều 121 Công ước Luật Biển, không cần thiết phải xem xét chủ quyền hay phân định biển, do đó không rơi vào các hạn chế và ngoại lệ tại Điều 297 và 298.

Nhiều khả năng phán quyết về nội dung của Toà liên quan đến các luận điểm này sẽ nghiêng về Philippines do trong số 08 cấu trúc mà Philippines khởi kiện ở Biển Đông không có cấu trúc nào đáp ứng đủ tiêu chí là “đảo” theo quy định tại Điều 121 Công ước Luật Biển, do đó sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.

- Nhóm 2 bao gồm luận điểm 10 và 13 liên quan đến quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines tại bãi Scaborough, và các hoạt động chấp pháp của Trung Quốc trong vùng 12 hải lý của Scaborough. 

Toà cho rằng có thẩm quyền đối với nhóm luận điểm này do liên quan các hoạt động trong phạm vi 12 hải lý của bãi Scaborough, không đòi hỏi Toà phải xem xét chủ quyền hay phân định biển, các hạn chế và ngoại lệ tại Điều 297 và 298 cũng không áp dụng đối với vùng lãnh hải 12 hải lý;

- Nhóm 3 liên quan đến nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển tại Scarborough và Bãi Cỏ Mây, và việc áp dụng các Điều 192 và 194 của Công ước.

Vấn đề này không đòi hỏi toà phải xem xét chủ quyền hay phân định biển, và cũng không phụ thuộc vào quy chế của các cấu trúc là đảo hay đá. Quy chế của các cấu trúc trên là đảo hay đá không loại trừ thẩm quyền của Tòa, mà chỉ thay đổi cơ sở pháp lý cho thẩm quyền của Tòa.

Cụ thể, Tòa giải thích, nếu các hoạt động của Trung Quốc được xác định diễn ra trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển cả trong vùng lãnh hải, đồng thời các hạn chế và ngoại lệ tại Điều 297 và 298 không áp dụng đối với vùng lãnh hải 12 hải lý.

Trong trường hợp các hoạt động của Trung Quốc được xác định diễn ra trong vùng ĐQKT, Điều 297(1)(c) khẳng định Toà có thẩm quyền xét xử đối với các hoạt động vi phạm các quy tắc và chuẩn mực quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường biển trong vùng ĐQKT. Như vậy, trong bất cứ trường hợp nào Tòa cũng có thẩm quyền xét xử đối với Luận điểm này của Philippines.

Toà quyết định bảo lưu việc xem xét thẩm quyển đối với 07 luận điểm, và đề nghị Philippines làm rõ, thu hẹp phạm vi của 01 luận điểm còn lại.

Toà giải thích, việc Toà phải bảo lưu 07 luận điểm là do Toà chỉ có thể đưa ra phán quyết về mặt thẩm quyền sau khi đã xem xét nội dung vụ kiện.

Khi mà việc đưa ra quyết định về thẩm quyền đối với các luận điểm gặp khó khăn do Toà không có đủ các yếu tố cần thiết để đưa ra quyết định, hoặc việc đưa ra quyết định về thẩm quyền vào thời điểm đó sẽ đồng nghĩa với việc quyết định trước toàn bộ hay một số khía cạnh nội dung của tranh chấp đó, thì việc bảo lưu xem xét thẩm quyển của Toà là cần thiết.

Việc đưa ra một quyết định như thế sẽ giúp hạn chế việc trì hoãn không cần thiết đối với tiến trình vụ kiện tại giai đoạn xét xử thẩm quyền.

Cụ thể trong vụ kiện này, giải thích của Toà đối với quyết định bảo lưu xem xét về thẩm quyền đối với 07 luận điểm có thể chia làm 04 nhóm:

- Nhóm 1 bao gồm Luận điểm 1 và 2 liên quan đến quyền có vùng biển của Trung Quốc theo Công ước Luật Biển và yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.

Toà giải thích mặc dù nhóm luận điểm này không yêu cầu xem xét chủ quyền hay phân định biển, nhưng quyết định thẩm quyền phụ thuộc vào bản chất và hiệu lực yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việc xem xét bản chất các yêu sách của Trung Quốc sẽ giúp Toà xác định liệu yêu sách của Trung Quốc có rơi vào ngoại lệ liên quan đến “vịnh hay danh nghĩa lịch sử” theo Điều 298 hay không;

- Nhóm 2 bao gồm Luận điểm 5 liên quan đến việc xác định bãi Scaborough và Cỏ Mây thuộc vùng ĐQKT và TLĐ của Philippines.

Việc xem xét thẩm quyền của Toà phụ thuộc vào quy chế pháp lý của một số cấu trúc khác ở Biển Đông do việc xem xét quy chế pháp lý các cấu trúc khác sẽ giúp Toà xác định liệu có tồn tại vùng chồng lấn yêu sách giữa hai nước và do đó cần phải phân định các vùng chồng lấn đó trước khi có thể đưa ra quyết định liên quan đến Luận điểm này hay không. Nếu yêu cầu phải phân định trước sẽ rơi vào ngoại lệ liên quan đến Phân định biển tại Điều 298;

- Nhóm 3 bao gồm các Luận điểm 8 và 9 liên quan đến các hoạt động trong vùng ĐQKT mà Philippines yêu sách. Toà cho rằng việc xem xét thẩm quyền của Toà phụ thuộc vào hai yếu tố.

Thứ nhất, tương tự như đối với Luận điểm 5, việc xem xét thẩm quyền của Toà phụ thuộc vào quy chế pháp lý của một số cấu trúc khác ở Biển Đông do việc xem xét quy chế pháp lý các cấu trúc khác sẽ giúp Toà xác định liệu có tồn tại vùng chồng lấn yêu sách giữa hai nước và do đó cần phải phân định các vùng chồng lấn đó trước hay không. Nếu yêu cầu phải phân định trước sẽ rơi vào ngoại lệ liên quan đến Phân định biển tại Điều 298.

Thứ hai, việc xem xét thẩm quyền cũng phụ thuộc vào quy chế vùng biển mà Trung Quốc tiến hành hoạt động thực thi pháp luật bởi nếu các hoạt động đó diễn ra trong vùng ĐQKT mà Trung Quốc có yêu sách, hoặc trong vùng ĐQKT chồng lấn giữa hai nước, thì sẽ rơi vào hạn chế và ngoại lệ tại Điều 297 và 298 về các hoạt động thực thi pháp luật liên quan đến nghề cá trong vùng ĐQKT của quốc gia ven biển;

- Nhóm 4 bao gồm Luận điểm 12 và 14 liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc trên bãi Vành Khăn và Cỏ Mây. Mặc dù đây không phải là tranh chấp liên quan đến chủ quyền hay phân định biển, Toà cho rằng việc xem xét thẩm quyển của Toà phụ thuộc vào hai yếu tố.

Thứ nhất, quy chế của hai cấu trúc này là đảo hay đá hay là bãi nửa nổi nửa chìm. Nếu hai cấu trúc này được Toà xác định là đảo hay đá thì Toà sẽ không có thẩm quyền xem xét các hoạt động xây dựng và chiếm hữu lãnh thổ của Trung Quốc.

Thứ hai, Toà cũng phải xác định liệu bản chất các hoạt động nêu trên của Trung Quốc có phải là các hoạt động quân sự hay không. Nếu Toà xác định các hoạt động mà Trung Quốc đang tiến hành là các hoạt động quân sự, thì cũng sẽ rơi vào ngoại lệ tại Điều 298.

Như vậy, việc Toà xác định có thẩm quyền xét xử đối với 07 luận điểm của Philippines, đặc biệt là các luận điểm liên quan đến quy chế pháp lý của các cấu trúc biển ở Biển Đông có thể coi là một thắng lợi mang tính bước đầu của Philippines. Phán quyết có ý nghĩa trong việc khích lệ các bên tranh chấp sử dụng toà án quốc tế như là một biên pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp.

Mặt khác, Toà vẫn để ngỏ khả năng xét xử đối với 08 luận điểm còn lại của Philippines và sẽ trả lời sau phiên xử kín về nội dung vụ kiện tại The Hague (Hà Lan) diễn ra trong các ngày 24 - 30/11 tới đây.

Để đưa ra được quyết định bác bỏ hay chấp nhận thẩm quyền đối với 08 luận điểm này, các bên tranh chấp và Toà Trọng tài sẽ tập trung giải thích và làm rõ bản chất và hiệu lực của các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, quy chế các cấu trúc biển ở Biển Đông, bản chất các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông, kể cả hoạt động xây dựng tại bãi Vành Khăn.

Đối với một tranh chấp nhiều bên khi mà yêu sách các bên chưa được làm rõ, quy chế các cấu trúc là đối tượng tranh chấp chưa được xác định, phạm vi các vùng tranh chấp chưa được vạch ra thì những gì Toà Trọng tài đã, đang và được kỳ vọng tiếp tục thể hiện sẽ đóng góp thiết thực vào tiến trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Tác giả chân thành cảm ơn những góp ý của TS Nguyễn Đăng Thắng trong quá trình hoàn thành bài viết này.

Trần Hoàng Yến, Nghiên cứu sinh Luật Biển tại Viện Nghiên cứu Luật Biển Hà Lan, Đại học Utrecht, Hà Lan.