Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chấp nhận yêu sách lâu nay của phía Nga, rằng tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad phải do người Syria quyết định.

Sự nhượng bộ kể trên là một sự chuyển đổi lớn trong lập trường của Mỹ về số phận của Tổng thống Assad, trong bối cảnh cả Washington và Moscow đang cố gạt bỏ bất đồng về cách thức chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trò chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc gặp ở Kremlin, Moscow, ngày 15/12. (Ảnh: AP)

"Mỹ và các đối tác không tìm kiếm cái gọi là sự thay đổi chế độ", hãng tin AP dẫn lời ông Kerry nói với các phóng viên ở thủ đô nước Nga sau cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin. Ông thông báo luôn rằng một hội nghị quốc tế lớn về Syria sẽ được tổ chức ở New York vào cuối tuần này.

Kerry nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng, ông Assad không thể đưa Syria ra khỏi cuộc xung đột kéo dài đã gần 5 năm qua.

Tuy nhiên, sau một ngày đàm phán với phía Nga, Ngoại trưởng Kerry cho biết, trọng tâm nay "không đặt vào bất đồng của chúng tôi về những gì có thể hay không thể làm ngay tức khắc đối với Assad". Thay vào đó là khơi thông một tiến trình hòa bình mà trong đó "người Syria sẽ quyết định tương lai của Syria".

Lần đầu tiên Mỹ kêu gọi ông Assad từ bỏ quyền lực là vào mùa hè năm 2011, với khẩu hiệu "Assad phải ra đi" liên tục được nhắc đến. Sau đó, các quan chức Mỹ chấp nhận ông sẽ không phải từ chức ngay "Ngày 1" của quá trình chuyển giao. Và giờ thì không ai có thể nói khi nào Assad phải từ chức.

Trái ngược hoàn toàn, Nga tiếp tục kiên định lập trường không một chính phủ nước ngoài nào có thể yêu cầu Assad ra đi, và tự người Syria sẽ phải bàn bạc các vấn đề về ban lãnh đạo của họ.

Kể từ cuối tháng 9, Nga bắt đầu chiến dịch oanh kích nhằm vào các mục tiêu mà họ gọi là quân khủng bố ở Syria, trong khi phương Tây cáo buộc Moscow nhắm tới cả quân nổi dậy ôn hòa nhằm yểm trợ cho chính quyền Assad.

Sớm ngày 15/12 ở Kremlin, Tổng thống Putin nhấn mạnh một số "vấn đề còn tồn tại" giữa Nga và cựu thù Chiến tranh Lạnh. Ngoài tương lai của ông Assad còn có việc các nhóm quân nổi dậy ở Syria sẽ được phép tham gia vào tiến trình chuyển giao, và nhóm nào nên bị quy là khủng bố, giống như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda.

Sau đó, xuất hiện bên cạnh ông Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ca ngợi những gì ông miêu tả là một "ngày đàm phán quan trọng", nhấn mạnh hai bên đã đạt tiến bộ trong việc định hình một tiến trình chuyển giao ở Syria.

Thanh Hảo