Hôm 13/8, ông Pompeo đã đăng tải một dòng tweet kèm theo một chiếc đồng hồ đếm ngược cho biết “thời gian còn lại trước khi lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Iran hết hạn, và lệnh cấm di chuyển đối với Qasem Soleimani kết thúc”. Đại tướng Qasem Soleimani là Tổng chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab tại Washington hôm 7/8.

Trong dòng tweet, Bộ trưởng cũng kêu gọi các “đồng minh và đối tác” tăng cường gia tăng áp lực đối với chính quyền Iran, buộc nước này phải ngừng “các hành động gây mất bình ổn”, trước khi các lệnh cấm vận kết thúc và sân chơi sẽ trở nên cân bằng hơn.

Dòng tweet còn bao gồm một đường link dẫn đến một lời kêu gọi trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ. Lời nhắn này liệt kê các lệnh cấm vận quốc tế sẽ hết hạn trong thời gian tới.

“Ví dụ, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Qasem Soleimani, sẽ được phép di chuyển trở lại vào 18/10/2020. Không lâu sau đó, chính quyền Iran sẽ được tự do bán vũ khí cho bất kỳ ai, và các quốc gia như Nga và Trung Quốc sẽ có thể bán xe tăng, tên lửa và các thiết bị phòng không cho Iran”, lời kêu gọi cho biết.

“Việc này có thể châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông, và sẽ gia tăng bất bình ổn trong khu vực và thế giới”, Bộ Ngoại giao cảnh báo. 

{keywords}
Đồng hồ đếm ngược trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ

Theo nghị quyết 2231 của Liên Hợp Quốc (LHQ), được đưa ra sau kết luận của hiệp ước hạt nhân năm 2015, thời hạn kết thúc được định ra cho một loạt các lệnh cấm vận đối với Iran là vào ngày 18/10/2020. Nghị quyết này yêu cầu các nước thành viên LHQ tuân thủ một số các giới hạn trong việc giao thương với Iran, bao gồm việc mua bán hoặc trao đổi xe tăng, các phương tiện bọc thép, pháo binh hạng nặng, tàu chiến và các phụ tùng liên quan.

Ngoài ra, các dịch vụ huấn luyện và tài chính nhằm mục đích phát triển các vũ khí này cũng bị giới hạn trong lệnh cấm.

Các giới hạn này có thời hạn 5 năm, và sẽ kết thúc sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận lần cuối cùng rằng Iran đã tuân thủ các điều khoản trong hiệp ước hạt nhân JCPOA.

{keywords}
Cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power bỏ phiếu đồng ý nghị quyết đối với Iran trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 20/7/2015.

Vào tháng 5 năm ngoái, Mỹ đã rút lui khỏi hiệp ước này. Sau đó, ông Pompeo đã cho rằng các giới hạn của Liên Hợp Quốc đặt lên Iran không nên kết thúc vào năm 2020.

Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu vẫn cam kết duy trì thỏa thuận, nhưng cũng đã bày tỏ lo ngại về việc Iran can thiệp vào các nước láng giềng, và về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Anh Thư