Theo hãng tin Reuters và RT, chiến lược dài 48 trang này đã bị trì hoãn một thời gian dài do Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và mãi tới ngày 12/10 mới được đưa ra.
Chiến lược mới không có những thay đổi lớn trong cách suy nghĩ, không đưa ra học thuyết chính sách ngoại giao mới nào. Thay vào đó, nó nêu bật quan điểm cho rằng "sự lãnh đạo của Mỹ là yếu tố then chốt để vượt qua các mối đe dọa toàn cầu".
Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ đề cập tới việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong khi tái nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh để giải quyết các thách thức. Văn bản cho rằng, Trung Quốc là thách thức lớn nhất và Mỹ phải giành chiến thắng trong cuộc chạy đua về kinh tế với Trung Quốc nếu hy vọng giữ được ảnh hưởng toàn cầu của mình.
Khi phác thảo về chính sách an ninh, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay, Washington phải quản lý mối quan hệ với Trung Quốc, trong khi lo đối phó với những thách thức xuyên quốc gia bao gồm biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, bệnh truyền nhiễm, khủng bố, chuyển đổi năng lượng và lạm phát.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ hiện chưa bình luận gì về động thái trên của Mỹ.
Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ chuyên về Đông Á dưới thời Tổng thống Barack Obama nhận xét, chính sách an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Joe Biden phù hợp với các ưu tiên đã nêu của Tổng thống Mỹ đương nhiệm là đổi mới trong nước, củng cố liên minh và các thể chế dân chủ, cân bằng sự hợp tác và cạnh tranh.
Bản chiến lược an ninh quốc gia mà Nhà Trắng vừa công bố cũng đề cập tới Triều Tiên. Nó nhấn mạnh các lựa chọn hạn chế của Mỹ trong việc ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia này.
Bản chiến lược đã được gửi tới Quốc hội Mỹ khi chính quyền đệ trình ngân sách đề xuất vào ngày 28/3.