“Thương chiến đã khiến các mức thuế áp đặt lên các nhà sản xuất tới từ Trung Quốc. Có rất nhiều công ty không muốn bỏ vốn đầu tư nhằm xây dựng dây chuyền sản xuất và nhập khẩu máy móc mới”, giáo sư Ma Shugen thuộc khoa người máy tại Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản cho biết.
Số liệu của SCMP trích dẫn từ bản báo cáo của Viện Nghiên cứu Mizuho cho thấy, Trung Quốc là nhà nhập khẩu người máy công nghiệp lớn nhất của Nhật Bản, chiếm hơn 40% thị phần xuất khẩu của nước này trong năm 2018. Cũng theo bản báo cáo này, tổng số lượng robot công nghiệp xuất khẩu của Nhật đã giảm liên tiếp kể từ quý 2 năm 2018.
Việc xuất khẩu robot của Nhật sang TQ chịu tác động từ thương chiến. Ảnh: AP |
Cụ thể, số lượng xuất khẩu người máy công nghiệp từ Nhật sang Trung Quốc trong quý 2 năm 2019 đã giảm hơn 28% so với 1 năm về trước. Nguyên do của việc này là vì tác động từ thương chiến Mỹ-Trung đã tạo môi trường kinh tế không thuận lợi, và làm kìm hãm vốn đầu tư. Ngoài ra, tỷ giá đồng Nhân dân tệ giảm cũng đã khiến cho việc nhập hàng hóa Nhật của các doanh nghiệp Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều.
Ngay cả tập đoàn FANUC, một nhóm các công ty chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tự động hóa như robot công nghiệp lớn nhất trên thế giới, cũng chịu tác động từ thương chiến. Một số số liệu cho thấy, tổng lợi nhuận trong quý 2 năm 2019 của nhóm này đã giảm hơn 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Trong trường hợp quan hệ Mỹ-Trung không được cải thiện, thì chúng tôi đành chấp nhận một thực tế rằng việc kinh doanh đang trở nên khó khăn hơn”, giám đốc điều hành FANUC Yoshiharu Inaba trả lời phỏng vấn cho biết.
Trong khi đó, số liệu của Tập đoàn Điện tử Yaskawa, một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực chế tạo robot công nghiệp tại Nhật, lại cho thấy doanh thu của công ty này từ tháng 3-5/2019 đã giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018 bởi vì những khó khăn do thương mại và thuế quan mang tới.
Robot công nghiệp nắm vai trò rất quan trọng trong kế hoạch “Made in China 2025”. Ảnh: SCMP |
Theo tờ SCMP, Trung Quốc hiện đang muốn nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất của nước này và tiến tới chuỗi giá trị vào năm 2025, và để thực hiện điều này, Bắc Kinh cần tăng nhu cầu về người máy công nghiệp. Theo số liệu từ Liên minh Robot Công nghiệp Trung Quốc, số lượng robot công nghiệp ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2015, khi chính sách “Made in China 2025” được công bố.
Chính phủ Trung Quốc đã từng đầu tư vào dây chuyền sản xuất người máy công nghiệp của nước này từ năm 2014, tuy nhiên do tính phức tạp, cũng như Nhật Bản hiện đang đứng đầu thế giới về ngành này, nên việc nhập khẩu robot chuyên dụng vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều xưởng sản xuất Trung Quốc.
Tuấn Trần