Các chuyên gia cho biết, chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ - Trung Quốc cùng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất để chống lại những quan ngại ngày càng lớn về nền kinh tế toàn cầu đã đẩy các thị trường chứng khoán lao dốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khoản đầu tư của những quỹ lương hưu và tầng lớp siêu giàu thế giới. Trong đó, Trung Quốc là nước hứng chịu tổn thất nhiều nhất từ tình trạng suy thoái.

{keywords}
Đồ họa: Guardian

Theo báo cáo thường niên năm 2019 của công ty tư vấn Capgemini về độ giàu có của thế giới, tổng giá trị tài sản của những người giàu nhất hành tinh trong năm 2018 đã giảm 2.000 tỷ USD, tương đương 3%, xuống còn 68.100 tỷ USD so với một năm trước đó.

{keywords}
Đồ họa: Guardian

Số lượng các cá nhân có trị giá tài sản ròng cao (HNWI) trong năm 2018 đã giảm khoảng 100.000 người, xuống còn 18 triệu người. Trong đó, HNWI được định nghĩa là bất kỳ ai sở hữu "các tài sản có thể đầu tư được" trị giá ít nhất 1 triệu USD. Định nghĩa này không bao gồm giá trị của một ngôi nhà chính và bất kỳ đồ dùng cá nhân nào, kể cả xe hơi.

Chỉ tính riêng ở Châu Á, giới siêu giàu trong năm qua đã mất tới 1.000 tỷ USD. Trung Quốc chiếm tới hơn 1/4 tổng sụt giảm trị giá tài sản HNWI trong số này, do giá các cổ phiếu trong nước lao dốc.

{keywords}
Trong năm 2018, 70% các cá nhân HNWI sống tập trung ở 8 quốc gia Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc, Pháp, Anh, Thụy Sỹ và Canada. Đồ họa: Guardian

Độ giàu có của HNWI cũng suy giảm gần như ở mọi khu vực khác. Cụ thể, khu vực Mỹ Latinh giảm 4%, châu Âu 3% và Bắc Mỹ giảm 1%. Theo báo Guardian, khu vực duy nhất đi ngược lại xu hướng là Trung Đông khi tăng tới 4% độ giàu có HNWI.

Mức độ giàu có tổng cộng của giới siêu giàu Mỹ giảm 1% bất chấp việc GDP của nước này tăng và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ những thập niên 1960.

{keywords}
 

Dù những người giàu nhất thế giới đã thiệt hại lớn trong năm vừa qua nhưng mức độ giàu có của họ vẫn chênh lệch nhiều so với phần còn lại trên toàn hành tinh. Mỗi cá nhân trong số 18 triệu HNWI đang có trong tay trung bình 3 triệu USD/người, đưa tổng giá trị tài sản họ nắm giữ (68.100 tỷ USD) gần tương đương tổng sản lượng kinh tế thế giới mỗi năm.

Tổ chức phi chính phủ Oxfam hồi đầu năm nay từng cảnh báo, tình trạng gia tăng tập trung sự giàu có của thế giới đồng nghĩa 26 tỉ phú hàng đầu sở hữu số tài sản tương đương của 3,8 tỷ người (chiếm khoảng 1/2 dân số thế giới) nghèo nhất trên hành tinh.

Dư luận đang kỳ vọng Washington và Bắc Kinh có thể đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế thế giới, vốn đang hãm phanh tăng trưởng của toàn cầu trong một năm qua.

Tuấn Anh