- "Cháu biếng ăn nên cơ thể ốm yếu lại thêm thời tiết thay đổi, nền nhiệt đang thấp lại tăng cao đột ngột khiến cháu bị đổ bệnh. Tính từ đầu tháng tới giờ, vợ chồng tôi phải cho cháu vào bệnh viện điều trị 2 lần rồi", anh Nguyễn Anh Tuấn, (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.

Trẻ nhập viện tăng

Ngay từ cuối tuần, thời tiết Thủ đô Hà Nội thay đổi từ mưa phùn sang nắng nóng khiến cho nồm ẩm vẫn tiếp tục gia tăng làm cho cuộc sống nhiều người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Đây là môi trường lý tưởng cho nhiêu loại virus sinh sôi, phát triển, là những tác nhân khiến nhiều trẻ em đổ bệnh.

Theo quan sát của PV VietNamNet sáng ngày 17/3, tại một số bệnh viện, lượng trẻ em đến chữa trị ngày càng tăng. Các bệnh mà trẻ thường gặp trong thời tiết như thế này thường là bệnh viêm hô hấp trên, viêm phế quản, tiểu quản, dị ứng...

{keywords}

Chị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) đưa con đến BV Nhị Trung ương khám bệnh

Ở bệnh viện Nhi Trung ương, chị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) , mẹ của bé Ngọc Minh khóc thút thít kể lại, vì trời nồm quá nên gia đình chị phải thường xuyên bật điều hòa để hút ẩm. Những ngày trước thì không sao nhưng từ hôm qua tới hôm nay thời tiết lại thay đổi đột ngột, ngoài trời nắng nóng nhưng trong nhà vẫn bị nồm, rỉ nước vì vậy mà mọi sinh hoạt trong gia đình chị trở nên khó khăn hơn, con quấy khóc, biếng ăn. Sáng nay khi tỉnh dậy chị sờ vào trán bé Ngọc Minh thấy nóng hầm hập, ho, sốt cao 39 độ nên đưa con đi bệnh viện điều trị.

Nhìn cậu con trai mới 5 tháng tuổi bú kém, hơi thở khò khè khiến chị Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội) lo lắng rối bời. Con gái chị đang được điều trị tại khoa Nhi, BV Bạch Mai do viêm phổi từ chiều hôm qua.

Chị Linh cho biết, trước đó, bé có bị ho, nhịp thở khó vì có đờm nên chị cho con đến khám tại phòng khám tư nhân gần nhà. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi kèm với đơn thuốc điều trị trong 3 ngày. Tuy nhiên, 3 ngày sau tình trạng của bé không hề thuyên giảm mà còn có dấu hiệu trầm trọng thêm, lúc này hai vợ chồng chị mới tá hỏa đưa con đến BV Bạch Mai để điều trị.

{keywords}

Nhiều trẻ bị nổi phát ban khi thời tiết thay đổi

Chị Ngọc buồn bã kể: "Thời tiết mấy ngày hôm nay nắng nóng rồi nồm ẩm khiến người lớn rất khó chịu huống gì là trẻ em. Lúc đầu gia đình tôi cũng chủ quan đưa cháu đi khám ở phòng khám gần nhà vì cháu còn nhỏ không tiện đưa đi ra ngoài nhiều trong kiểu thời tiết "dở hơi" này. Sau đó đến khoa Nhi, BV Bạch Mai, các bác sĩ nói cháu bị viêm phổi nặng phải ở lại viện để điều trị".

Chị Thu Nga (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì chia sẻ, con gái của chị, bé Bông bị mắc chứng biếng ăn hơn một năm nay nên dù đã hơn 2 tuổi nhưng cháu chỉ nặng 11 kg và rất hay ốm vặt. Đặc biệt, vào thời điểm nhiệt độ thay đổi đột ngột, thời tiết ẩm ướt kéo dài, cháu thường ốm lâu hơn và mức độ cũng trầm trọng hơn bình thường.

Cũng trong tình trạng như vậy, bé Mạnh Linh (4 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) phải nhập viện điều trị liên tục suốt từ đầu tháng tới giờ. Anh Tuấn, bố bé cho biết: "Cháu biếng ăn nên cơ thể ốm yếu lại thêm thời tiết thay đổi, nền nhiệt đang thấp lại tăng cao đột ngột là cháu lại bị bệnh. Tính từ đầu tháng tới giờ, vợ chồng tôi phải cho cháu vào viện điều trị 2 lần rồi."

Mặc dù trời nắng nhưng xóm trọ của chị Thaỏ (Nhân Chính, Hà Nội) vẫn trong tình trạng âm u, nền nhà nhớp nháp, trơn trượt. Quần áo giăng kín hành lang, mùi hôi chua khó chịu. Cả mấy tuần nay bé Mít nhà chị không được ra đường đi dạo mỗi chiều, cứ đến khoảng 6h tối là cô bé cuồng chân quấy khóc đòi đi. Trời nồm, sàn nhà trơn trượt, đã mấy lần con bị ngã nên chị không dám cho ra ngoài chơi nữa. Căn phòng trọ hơn 20m2, chị phải mua báo về lót lên để con có chỗ chơi.

{keywords}

Chị Thảo phải lót báo để có chỗ cho con đi tránh trơn trượt

Chị Thảo bức xúc nói: "Cái thời tiết này có muốn thay đổi cũng không được. Mưa thì không có quần áo mặc, còn nắng lên thì các cháu lại lăn ra ốm. Hôm nay tôi phải xin ở nhà với con vì cháu bị ho sốt từ tối qua đến giờ không khỏi"

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, BV Xanh Pôn cho biết, nồm ẩm rất thuận lợi cho sự phát triển các vi rút gây bệnh đường hô hấp. Vì vậy, các bà mẹ có con cơ địa dị ứng với thời tiết hết sức chú ý phòng tránh.

Thời tiết thay đổi đột ngột tạo điều kiện cho các vi rút gây bệnh trẻ em tăng cao. Phòng tránh bệnh cho trẻ được xem là biện pháp tốt nhất để trẻ không mắc các chứng viêm hô hấp trên và viêm phế quản. Các biện pháp được khuyến cáo đó là cho trẻ cần ăn nhiều vitamin qua các loại rau củ quả nhiều hơn. Hạn chế đồ ăn béo.

Buổi sáng đi học nên mặc cho trẻ một áo cotton bên trong, ngoài khoác áo rét. Như thế sáng trẻ được mặc ấm, trưa nóng thì cởi bớt áo khoác để tránh mồ hôi thấm ngược dễ sinh cảm lạnh.

{keywords}

Thời tiết thay đổi khiễn cho nhiều trẻ biếng ăn, dễ đổ bệnh

Ban đêm trẻ hay ra mồ hôi nên đặt vào lưng trẻ tấm khăn xô, nếu sờ thấy lưng trẻ ướt thì lau lưng và rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào để trẻ không bị mồ hôi làm nhiễm lạnh. Chú ý vì lúc đêm trời nóng nhưng nhiệt độ lại giảm về gần sáng nên giữ ấm cho trẻ. Tốt nhất, các gia đình nên giữ nhiệt độ phòng 25 độ C.

Những trẻ có bệnh mãn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và các biện pháp kiểm soát bệnh tốt để yếu tố môi trường kích thích bệnh phát tác. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi ( BV Bạch Mai) chia sẻ, những ngày qua, số bệnh nhi tới khám tăng 15% so với ngày thường. Số trẻ tới khám tập trung nhiều ở nhóm bệnh viêm phổi, hen, nhiễm khuẩn hô hấp trên...

Theo kinh nghiệm của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thời tiết thay đổi như hiện nay là môi trường lý tưởng cho virus sinh sôi, phát triển, là những tác nhân khiến trẻ đổ bệnh. Với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà.

Đặc biệt là nhóm trẻ dưới 5 tuổi do sức đề kháng, miễn dịch kém nên rất dễ mắc các bệnh về hô hấp. "Trẻ nhỏ thường thở bằng mũi mà chưa biết thở bằng miệng như người lớn, nên khi trẻ tắc mũi thì trẻ khó thở rất mạnh. Vì vậy, để phân biệt trẻ tắc mũi với viêm phổi ở trẻ nhỏ rất khó. Khi đó, cha mẹ nên vén áo của trẻ lên, thấy trẻ thở nhanh hoặc rút lõm lồng ngực, trẻ ăn kém, không chịu chơi là những dấu hiệu cho thấy trẻ mắc viêm phổi nặng, cần phải đưa trẻ đến trung tâm y tế để được điều trị", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo: "Để phòng bệnh cho trẻ trong kiểu thời tiết này, cần cách ly, hạn chế tiếp xúc với người sốt phát ban, viêm đường hô hấp, tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất.

Đối với trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều bữa. Cần giữ ấm cho trẻ tránh tình trạng cơ thể trẻ nhiễm lạnh vì trong ngày có những thời điểm nhiệt độ lên cao nhưng thường đêm và sáng sớm vẫn se lạnh. Khi trẻ nôn trớ, cha mẹ không nên ép trẻ ăn tiếp làm trẻ ngại khi nhìn thấy thức ăn. Ngoài ra, nên cho trẻ tiêm chủng đầy đủ. Trẻ bị ốm không nên đưa tới lớp để tránh lây lan cho những đứa trẻ khác".

Hạnh Thúy