Chị Vũ Thị Xuyên làm công nhân may ở quận Gò Vấp, TP.HCM được gần 20 năm. Hiện nay mức lương hàng tháng tại công ty chị thực nhận khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền lương căn cứ đóng BHXH chỉ ở mức trên 5 triệu đồng. 

Chị Xuyên cho hay, để hưởng được mức lương tối đa 75% người lao động phải đóng BHXH 35 năm, còn nếu đóng 20 năm chỉ nhận được 45% lương. Với mức lương thực tế đóng BHXH của chị như hiện nay, kể cả khi tham gia BHXH tối đa, lương hưu của chị cũng chỉ được hơn 3,5 triệu đồng mỗi tháng.

“Vẫn biết lương được điều chỉnh theo trượt giá, nhưng thử hỏi với mức lương hưu thấp như hiện nay, về già nếu không có tích cóp thì sao đủ sống”, chị Xuyên bày tỏ.

Về vấn đề lương hưu thấp, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM cho rằng, BHXH được chi trả theo hướng tham gia thời gian dài, mức đóng cao lương hưu sẽ cao; ngược lại nếu thời gian đóng ngắn, mức đóng thấp đương nhiên lương hưu sẽ thấp.

Do mức lương đóng BHXH của người lao động thấp nên khi về già lương hưu thấp. Ảnh minh hoạ: BHXH Việt Nam

Hiện nay nhiều người dù tham gia đóng BHXH dài 30-35 năm, nhưng khi về già lương hưu vẫn không đủ sống do mức đóng thấp. 

“Cái gốc của vấn đề không chỉ phải đóng bao nhiêu năm mà căn cơ nhất vẫn là người sử dụng lao động đóng không đúng, không đủ theo quy định của pháp luật nên khi về hưu mức lương thấp”, ông Tâm nói. 

Theo ông Tâm, BHXH đóng dựa trên lương và các khoản phụ cấp kèm theo lương thường xuyên. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại “lách” thông qua việc chia thành 2 phần và chỉ đóng mức bằng hoặc cao hơn lương tối thiểu, còn các khoản phụ cấp lại không được tính, nên người lao động đóng BHXH rất thấp.

Điều đáng nói, người lao động dù biết tiền lương đóng BHXH thấp nhưng vẫn “đồng thuận ngầm” để không phải đóng 10% phần chênh lệch vào quỹ BHXH từ tiền phụ cấp. 

Tuy nhiên, bản chất tiền đóng BHXH là của người lao động, khi doanh nghiệp “lách luật” người lao động không phải đóng thêm 10% nhưng lại mất đi 22% doanh nghiệp đáng ra phải đóng thêm cho người lao động.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tiền lương tháng tính đóng BHXH bình quân cả nước năm 2022 là 5,73 triệu đồng/người. Khu vực đóng cao hơn là doanh nghiệp FDI, còn thấp nhất vẫn là doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Thực tế vẫn còn doanh nghiệp tách các khoản phúc lợi, không tính vào lương đóng BHXH, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách lương hưu của người lao động khi về già. 

Đề xuất thay đổi tính lương hưu

Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khó tách bạch các loại phụ cấp cũng như khoản bổ sung khác. 

Quy định cứng phụ cấp tính đóng BHXH chỉ có thể thực hiện với doanh nghiệp nhà nước có thang bảng lương thể hiện các khoản cố định, song thực tế cũng mới tính đóng trên 3 loại phụ cấp chức vụ, thâm niên nghề và thâm niên vượt khung (nếu có).

Với doanh nghiệp trả lương tối thiểu rất khó quy định cứng phụ cấp tính đóng BHXH, bởi mỗi nơi xây dựng thang bảng lương, phụ cấp, mức tiền khác nhau. 

Tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.

Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động. Điều này gây thiệt cho lao động bởi quá trình làm việc các khoản trên đều thay đổi.

Phương án hai là tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Phương án này tiền được tính đóng BHXH bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. 

Như vậy, tiền lương đóng BHXH của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.