Theo hãng thông tấn Reuters, ngoại trưởng 30 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tổ chức các buổi họp vào cuối tuần này tại thủ đô Berlin (Đức), trong đó tập trung vào việc xem xét tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển. Hai nước này dự kiến sẽ chính thức đệ đơn gia nhập NATO trong vòng vài ngày tới.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/5 đã bất ngờ phản đối việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, với cáo buộc hai nước đang chứa chấp các phần tử người Kurd bị Ankara xem là "khủng bố". Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ "không có quan điểm tích cực", trong khi Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu tuyên bố việc đưa 2 quốc gia vùng Scandinavia này vào NATO là "thái quá và không thể chấp nhận được".
Nhưng sau khi các cuộc họp được nối lại vào hôm nay (15/5), Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana vẫn bày tỏ tin tưởng rằng các mối quan ngại của Ankara có thể được giải quyết.
"Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng (của NATO), và mối quan ngại mà họ bày tỏ đang được các đồng minh và quốc gia thân thiện giải quyết", ông Geoana phát biểu trước các phóng viên sau buổi họp. “Tôi tự tin rằng, nếu các nước này (Phần Lan và Thụy Điển) quyết định gia nhập NATO, chúng tôi sẽ có thể chào đón họ, và tạo mọi điều kiện để đạt được sự đồng thuận".
Nhiều nước thành viên NATO tại buổi họp ở Berlin cũng ủng hộ kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng phê chuẩn hồ sơ gia nhập liên minh của hai nước.
"Đức đã chuẩn bị mọi thứ để thực hiện một quá trình phê chuẩn nhanh chóng", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên hôm 15/5, và cho biết tại bữa tối kết hợp thảo luận trong ngày 14/5, ngoại trưởng các nước NATO đã thống nhất không nên có "vùng xám" - tức thời gian chờ phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển, có thể kéo dài tới 1 năm.
"Chúng ta phải chắc chắn về việc sẽ cung cấp đảm bảo an ninh cho họ, không được phép có một giai đoạn chuyển tiếp, hay vùng xám, nơi mà tình trạng của họ không rõ ràng", bà Baerbock nhấn mạnh.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cũng bày tỏ hy vọng sẽ có một quá trình phê chuẩn nhanh chóng nếu Phần Lan và Thụy Điển quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO. "Tôi hy vọng điều này có thể được thực hiện chỉ trong vòng vài tuần", bà nói với các phóng viên tại Berlin.
Bên cạnh vấn đề Phần Lan và Thụy Điển, ngoại trưởng các nước NATO tại các buổi họp còn xem xét bản thảo đầu tiên về khái niệm chiến lược mới của NATO, học thuyết quân sự cơ bản của NATO, dự kiến sẽ được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo liên minh ở Madrid (Tây Ban Nha) vào cuối tháng 6.
>>> Đọc tin quân sự trên VietNamNet
Việt Anh