"Sẽ cần tới việc đáp trả… bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để đảm bảo khả năng răn đe. Chính quyền Moscow không có những ý định thù địch nhằm vào Phần Lan hay Thụy Điển, và không thấy những lý do ‘thật sự’ để hai quốc gia đó gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói với hãng tin Reuters hôm nay (14/5).
“Tôi cần nhắc lại tuyên bố trước đó của Điện Kremlin rằng, việc chính quyền Moscow đáp trả trước khả năng NATO mở rộng sẽ phụ thuộc vào khối quân sự trên di chuyển khí tài quân sự áp sát Nga như thế nào, hay cơ sở hạ tầng quân sự gì sẽ được họ triển khai”, ông Grushko nói thêm.
Theo Reuters, những phát biểu trên của Thứ trưởng Ngoại giao Nga được đưa ra chỉ hai ngày sau khi giới lãnh đạo Phần Lan tuyên bố nước này phải nộp đơn xin gia nhập vào khối NATO “ngay lập tức”. Dự kiến, Quốc hội Phần Lan sẽ phê chuẩn việc nộp đơn xin gia nhập NATO sớm nhất vào 16/5 tới.
Ở một diễn biến khác, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto hôm nay đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, để thông báo về việc nước này sẽ gia nhập NATO.
“Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã làm thay đổi môi trường an ninh của Phần Lan. Cuộc điện đàm diễn ra thẳng thắn, và nó được thực hiện mà không có những cử chỉ ‘chọc tức’. Vấn đề tránh những căng thẳng được coi là việc quan trọng”, ông Niinisto nói với hãng tin CNBC.
“Trong cuộc điện đàm, tôi tiếp tục bày tỏ những quan ngại của bản thân về những vấn đề nhân đạo ở Ukraine gây ra bởi chiến sự, cũng như lên tiếng kêu gọi hòa bình. Tôi cũng kêu gọi việc đảm bảo an toàn cho dân thường sơ tán khỏi các vùng chiến sự”, Tổng thống Phần Lan nói thêm.
Theo giới chức Điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin trong cuộc điện đàm đã cảnh báo việc Phần Lan từ bỏ thế trung lập và gia nhập NATO “là một sai lầm và điều này sẽ gây tổn hại tới quan hệ của hai quốc gia”.
“Ông Putin nhấn mạnh rằng, việc Phần Lan từ bỏ chính sách quân sự trung lập truyền thống là một sai lầm, khi không hề có bất kỳ mối đe dọa nào tới an ninh của nước này. Việc thay đổi chính sách ngoại giao như vậy sẽ gây ra tác động tiêu cực tới mối quan hệ Nga-Phần Lan”, hãng CNBC dẫn thông cáo từ Điện Kremlin nêu rõ.
G7 cam kết viện trợ thêm cho Ukraine
Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7, gồm các nước Mỹ, Canada, Anh, Đức, Italia, Pháp và Nhật Bản, cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. “Chúng tôi cam kết sẽ đảm bảo cho Ukraine tiếp cận được các nguồn lương thực, năng lượng và tài chính, trong khi chiến sự ở nước này đang tàn phá nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu”, hãng CNBC dẫn thông cáo chung của Ngoại trưởng các quốc gia G7 viết.
“Chúng tôi sẽ xúc tiến những nỗ lực của bản thân, nhằm giảm thiểu và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng cung cấp từ Nga càng nhanh càng tốt, dựa trên những cam kết của G7 về việc loại bỏ hay cấm nhập khẩu than và dầu của Nga”, thông cáo viết thêm.
Theo ngoại trưởng các nước G7, họ sẽ áp thêm nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào giới tinh hoa Nga, trong đó bao gồm những nhà tài phiệt, viện nghiên cứu của Chính phủ Nga hay những quan chức quân sự “ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine”.
Tuấn Trần