Chuyển đổi số cần đến nền tảng số Việt Nam. Muốn vậy, phải giải được các "điểm đen" trong quá trình phát triển nền tảng số.
Chuyển đổi số Việt Nam nếu không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi từ công cuộc này sẽ không phải là người Việt Nam. Lời giải chuyển đổi số Việt Nam là nền tảng số Việt Nam. VietNamNet xin gửi tới quý độc giả tuyến bài nhằm nói lên câu chuyện của các nền tảng số Việt.
Để chuyển đổi số bằng nguồn lực bên ngoài, các doanh nghiệp thường phải đứng trước sự lựa chọn giữa nền tảng nước ngoài và nền tảng số trong nước. Nếu chọn sử dụng nền tảng của các tập đoàn toàn cầu như Siemens, Schneider, họ sẽ phải đối diện với vấn đề chi phí không hề rẻ.
Các nền tảng nước ngoài thường được thiết kế sẵn cho số đông. Để tùy biến cho phù hợp với Việt Nam, cần phát sinh thêm chi phí con người, giá thành vì thế cũng sẽ đội lên trông thấy. Để giải bài toán này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có thể sử dụng nền tảng Việt Nam, cùng những giải pháp may đo cho vấn đề của từng doanh nghiệp với giá rẻ.
Các nền tảng số nội chính là lời giải cho bài toán chuyển đổi số Việt Nam. Thế nhưng, con đường của các nền tảng số trong nước không phải lúc nào cũng chỉ có màu hồng.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, vấn đề của các nền tảng Make in Viet Nam không phải công nghệ mà là làm sao để kiếm được khách hàng.
Chi phí trung bình để có được 1 khách hàng của các nền tảng trên thế giới là khoảng 0.5-3 USD đối với mỗi “user”. Nếu nền tảng ít người sử dụng thì vô nghĩa. Một nền tảng sẽ cần có nhiều người dùng. Cái khó là đơn vị phát triển và nhà đầu tư cần có đủ nguồn lực tài chính để duy trì việc có thêm người dùng mới tham gia vào nền tảng.
“Tìm kiếm khách hàng là khó khăn thách thức lớn nhất đối với các nền tảng chứ không phải câu chuyện công nghệ. Chính vì vậy, Bộ TT&TT đang hỗ trợ các nền tảng trong nước về mặt truyền thông để ngày càng có nhiều người sử dụng hơn", ông Nguyễn Thiện Nghĩa chia sẻ.
Vấn đề nguồn khách hàng cũng là điều được ông Nguyễn Thượng Tường Minh - Tổng Giám đốc nền tảng chuyển đổi số Base.vn nêu ra với VietNamNet. “Tính đến đầu 2023, mới có khoảng 9% trên tổng số 800.000 doanh nghiệp Việt ứng dụng SaaS (phần mềm dưới dạng dịch vụ) vào công việc thực tế. Đây chính là khó khăn lớn nhất của Base khi triển khai công nghệ”, ông Minh nói.
Trong khi đó, với nền tảng IoT và nhà thông minh Vconnex, khó khăn mà doanh nghiệp này đang gặp phải là chi phí đầu tư và triển khai còn khá cao. Bên cạnh đó, đơn vị phát triển nền tảng này cũng đang phải đối mặt với tình cảnh thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực IoT chất lượng.
Là nền tảng vừa được công nhận đạt tiêu chí nền tảng số phục vụ người dân, trong năm qua, Cốc Cốc đã phối hợp cùng Cục Chuyển đổi số quốc gia và một số nền tảng Make in Viet Nam “tới từng ngõ, gõ từng nhà”, tham gia tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyển đổi số cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc.
Chia sẻ với VietNamNet từ kinh nghiệm thực tế của mình, bà Mai Thị Thanh Oanh - Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc, cho rằng một trong những khó khăn của các doanh nghiệp nền tảng là nhận thức và năng lực tiếp cận công nghệ của người dân đang không đồng đều giữa các vùng miền.
“Khoảng cách về chuyển đổi số giữa các khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn khá lớn. Bên cạnh đó, nhóm người lớn tuổi vẫn còn giữ nhiều thói quen và tư duy cũ, cùng tâm lý ngại thay đổi, tiếp nhận công nghệ mới. Điều này khiến việc phổ biến nền tảng số tốn nhiều thời gian hơn, cũng như đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ đội ngũ triển khai", bà Oanh cho biết.
Theo đại diện Cốc Cốc, một thách thức khác khi phổ biến các nền tảng là vấn đề an toàn thông tin trên không gian số ngày càng diễn biến phức tạp. Các thủ đoạn lừa đảo, đánh cắp thông tin trực tuyến diễn ra ngày một tinh vi. Do đó, thách thức trong việc phát triển nền tảng số phục vụ người dân là phải làm sao để vừa bảo vệ được người dân trước những cạm bẫy biến hóa khôn lường, vừa tạo sự thuận tiện cho họ.
Trong quá trình VietNamNet khảo sát tại các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp chỉ ra là hành lang, cơ chế, chính sách đi theo, các yếu tố pháp lý để đưa nền tảng vào thực tế.
“Ví dụ khi phát triển nền tảng xác thực văn bằng, về mặt công nghệ, doanh nghiệp hoàn toàn đảm bảo thông tin chính xác, nhưng hiện chưa có một hành lang pháp lý nào để công nhận tính hợp pháp của những giấy tờ đó”, đại diện Công ty CNTT VNPT chia sẻ.
Còn với góc nhìn của ông Nguyễn Chí Thanh - Phó TGĐ Tổng công ty Giải pháp Viettel, để tạo thành một nền tảng số quốc gia, không chỉ đơn giản là một hệ thống công nghệ, đó còn là các hành lang pháp lý liên quan để nền tảng có thể vận hành, duy trì và kết nối được với các nền tảng, hệ thống khác.
Tựu chung lại, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết cả về chính sách, nguồn lực, truyền thông, con người để các nền tảng số Việt Nam có thể phát triển. Đây là bài toán khó mà cơ quan quản lý và các doanh nghiệp sẽ phải cùng nhau tìm ra câu trả lời.
Bài 3: Hiến kế 'chắp cánh, mở đường' cho các nền tảng số Việt Nam