Tuyên bố của bà Zakharova được đưa ra sau khi CNN đưa tin trong một cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết ông không loại trừ khả năng gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt cho Kiev, điều mà người tiền nhiệm của ông đã bác bỏ hoàn toàn.
“Tất cả các quốc gia cung cấp vũ khí (cho Ukraine) nên hiểu rằng chúng tôi sẽ coi những (vũ khí) này là mục tiêu tấn công hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga,” bà Zakharova nói.
“Bất kỳ nỗ lực nào dù đã được thực hiện hoặc thậm chí chưa được thực hiện nhưng đã được thông báo nhằm cung cấp thêm vũ khí cũng đang và sẽ dẫn đến sự leo thang khủng hoảng. Mọi người nên nhận thức rõ chuyện này”, bà Zakharova nói thêm.
Hồi tháng 10/2022, chính phủ Israel từng chối yêu cầu của Ukraine về việc được nhận hệ thống Vòm Sắt. Tới tháng 11/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz đã giải thích rằng Israel không có “cơ sở sản xuất đủ lớn” để đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Một cố vấn quân sự cấp cao cho biết Israel không muốn chọc giận Nga, quốc gia đang có sự hiện diện quân sự quy mô lớn ở Syria.
Đức lo vượt quá giới hạn
Dù ủng hộ chuyển xe tăng Leopard cho Kiev, nhưng Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cho rằng viện trợ tiêm kích là một bước đi quá xa.
Theo ông Habeck, việc cung cấp các chiến đấu cơ cho Ukraine chắc chắn có thể đi vượt quá giới hạn, và có nguy cơ kéo Berlin vào cuộc xung đột trực tiếp với Moscow.
“Có sự khác biệt giữa các xe tăng chiến đấu và tiêm kích”, RT dẫn lời ông Habeck.
Dù Berlin vẫn đang do dự cung cấp các loại máy bay chiến đấu cho Kiev, nhưng cố vấn của Tổng thống Vladimir Zelensky hôm 1/2 lại nhắc đến những cuộc đàm phán đang diễn ra liên quan tới hoạt động cung cấp “máy bay tấn công” cho Ukraine.
Nga lên tiếng về khoản tiền thưởng phá hủy vũ khí phương Tây
Hôm 1/2, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov dự đoán khoản tiền thưởng mà các doanh nghiệp và quan chức Nga đưa ra liên quan tới việc phá hủy những thiết bị quân sự của phương Tây ở Ukraine chắc chắn sẽ khuyến khích thêm nhiều người nhận nhiệm vụ này.
Cũng theo ông Peskov, mặc dù các xe tăng hạng nặng của phương Tây như Leopard 2 và M1 Abrams vẫn chưa được chuyển giao cho lực lượng của Kiev, nhưng những đề xuất như vậy đã thể hiện “sự đoàn kết và mong muốn của tất cả” nhằm góp phần đạt được các mục tiêu, giữa lúc Nga đang thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Hồi tuần trước, Berlin tuyên bố sẽ cung cấp cho Kiev 14 chiếc Leopard và cho phép các nước châu Âu khác xuất khẩu loại xe tăng này sang Ukraine, với tổng số là 112 chiếc. Trong khi đó, Washington cũng đã cam kết cung cấp 31 xe tăng Abrams.
Ngay sau đó, ông Alexander Osipo, Thống đốc vùng Zabaikalsky, phía đông của Nga, tuyên bố những người lính ở địa phương tham gia chiến đấu ở Ukraine có thể nhận được phần thưởng bằng tiền, nếu như họ bắt giữ hoặc phá hủy được một chiếc xe tăng của Đức hoặc Mỹ.
Những người thành công thu giữ một chiếc Leopard 2 trong tình trạng còn hoạt động được có thể được thưởng 3 triệu Rúp (42.909 USD), trong khi những người phá hủy phương tiện này có thể nhận được 1 triệu Rúp (14.303 USD). Những người hỗ trợ thu giữ Leopard 2 cũng có thể được trả 7.150 USD, và những người hỗ trợ tiêu diệt xe tăng sẽ nhận được 2.240 USD. Tối đa 10 người có thể được liệt kê trong danh sách hỗ trợ thu giữ hoặc phá hủy xe tăng Leopard để có quyền nhận tiền thưởng.
Đối với xe tăng M1 Abrams của Mỹ, Thống đốc Osipo hứa trao số tiền 1,5 triệu Rúp (21.450 USD) cho việc thu giữ phương tiện này, và 500.000 Rúp (7.150 USD) cho việc phá hủy.
Công ty hóa chất Fores của Nga cũng công bố sẽ trả 5 triệu Rúp (70.700 USD) cho bất kỳ quân nhân Nga nào phá hủy hoặc thu giữ một trong hai xe tăng của Mỹ và Đức. Thậm chí, công ty cho biết sẽ trả phần thưởng trị giá 15 triệu Rúp (212.100 USD) cho ai là người đầu tiên bắn hạ tiêm kích F-15 hoặc F-16, nếu như những vũ khí này được chuyển giao cho Ukraine.