Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) do Ấn Độ đăng cai tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22/11. Theo kênh Rossiya-1, sự kiện này có thể là “lần đầu tiên sau một thời gian dài” ông Putin cùng dự họp với các nhà lãnh đạo phương Tây.
Tổng thống Nga đã không dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ hồi tháng 9 vừa qua.
Đài RT cho biết, ông Putin đã không được mời dự các cuộc họp cấp cao APEC diễn ra ở San Francisco, Mỹ tuần trước. Theo Marat Berdyev, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga và là quan chức cấp cao tại APEC, nhà chức trách Mỹ giải thích rằng, với tư cách là nước chủ nhà, “họ không mời một số nhà lãnh đạo vì những người này đang bị áp các lệnh trừng phạt”.
Hồi tháng 10, ông Putin đã trực tiếp tham dự diễn đàn Vành đai và Con đường ở Trung Quốc, nơi ông hội kiến Thủ tướng Hungary Viktor Orban lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022. Vì việc này, các đại sứ của các nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Hungary đã tổ chức một “cuộc họp khẩn cấp” đột xuất tại Budapest ngay sau đó.
Trước đó, dù được mời nhưng lãnh đạo Điện Kremlin đã không dự hội nghị thượng đỉnh kinh tế của nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại Nam Phi vào tháng 8, vì lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) liên quan đến các cáo buộc chống lại Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Quyết định của ICC hồi tháng 3 đánh dấu lần đầu tiên một tòa án quốc tế ban hành trát bắt giữ lãnh đạo của một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Moscow đã bác bỏ các buộc của ICC, đồng thời tố ngược tòa án này có động cơ chính trị. Ủy ban điều tra Nga cũng tiến hành khởi tố hình sự đối với trưởng công tố và các thẩm phán của ICC đã ra phán quyết chống lại ông Putin.