“Giai đoạn mới của hoạt động quân sự đã bắt đầu. Tôi chắc chắn đây sẽ là thời khắc quan trọng trong toàn thể chiến dịch đặc biệt này”, ông Lavrov nói với kênh truyền hình India Today của Ấn Độ.
Theo Ngoại trưởng Nga, Moscow không có ý định thay đổi chính phủ Kiev. Thay vào đó, Nga chỉ nhắm đến các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine, và chỉ sử dụng các loại vũ khí thông thường trong giai đoạn mới.
Ông Lavrov cũng lặp lại cáo buộc rằng phía Ukraine không tôn trọng hành động “thiện chí” và “cam kết hòa bình” của Nga sau cuộc đàm phán tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 29/3.
Phát biểu của Ngoại trưởng Nga được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố đang tìm cách “giải phóng” các khu vực miền đông Ukraine.
Nga thêm lần nữa kêu gọi binh sĩ Ukraine ở Mariupol hạ vũ khí
Bộ Quốc phòng Nga trong ngày 19/4 đã đưa ra thêm đề xuất mới đối với các binh sĩ Ukraine đang cố thủ bên trong nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, trong đó một lần nữa yêu cầu các binh sĩ này hạ vũ khí.
Cơ quan này cùng cho biết, quân đội Nga sẽ thực hiện một lệnh ngừng bắn ở khu vực Azovstal bắt đầu từ 2 giờ chiều 20/4 (giờ Moscow) để các binh sĩ Ukraine có cơ hội hạ vũ khí và rời khỏi nhà máy mà không gặp bất kỳ tổn thương nào.
Trước đó cùng ngày, Nga cũng đã kêu gọi các quân đội Ukraine "ngay lập tức hạ vũ khí" và ra tối hậu thư cho các lực lượng đang cố thủ tại thành phố Mariupol. Bộ Quốc phòng Nga yêu cầu chính phủ Kiev "đưa ra mệnh lệnh tương ứng" cho lực lượng Ukraine ở Mariupol để họ "ngừng phản kháng vô nghĩa", đồng thời khẳng định các lực lượng này sẽ được "đảm bảo sống sót" nếu hạ vũ khí bắt đầu từ trưa 19/4 (giờ địa phương).
Tổng thống Biden vẫn chưa ấn định thời điểm tới Kiev
Phát biểu trước các phóng viên tại một sự kiện ở bang New Hampshire ngày 19/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã đến Ukraine nhiều lần, nhưng không chắc liệu ông sẽ đến Kiev hay không.
“Câu trả lời là tôi không biết", ông Biden đáp khi được phóng viên hỏi về kế hoạch đến thăm thủ đô của Ukraine trong tương lai.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng nhiều lần thúc giục ông Biden đến Ukraine. “Tất nhiên đó vẫn là quyết định của ông ấy (Tổng thống Biden), và tất nhiên điều đó còn phụ thuộc vào tình hình an toàn. Nhưng tôi cho rằng ông ấy là nhà lãnh đạo của Mỹ, và đó là lý do tại sao ông ấy nên đến đây để chứng kiến được mọi thứ”, Tổng thống Zelensky chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với CNN.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong một cuộc họp báo hôm 18/2 rằng, Tổng thống Biden không có kế hoạch tới Kiev. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn sẽ cử một quan chức cấp cao tới thủ đô của Ukraine, và đang cân nhắc giữa việc cử Ngoại trưởng Antony Blinken hay Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Trong khi đó, nhiều nguồn tin tiết lộ với hãng thông tấn Reuters rằng, Tổng thống Mỹ sẽ công bố một gói viện trợ lớn khác dành cho Ukraine, có giá trị tương đương gói viện trợ 800 triệu USD mà Washington đã cung cấp cho Kiev vào tuần trước.
Quan chức Mỹ: Nga đã mất 25% sức mạnh chiến đấu tại Ukraine
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ hôm 19/4 cho biết, Washington ước tính quân đội Nga đã mất đi khoảng 25% sức mạnh chiến đấu của mình tại Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến quân sự đặc biệt ở nước láng giềng.
“Khi mọi người nói rằng cuộc tiến công đã bắt đầu, đó là những gì họ đang đề cập đến và chúng tôi sẽ không phủ nhận quan điểm đó”, vị quan chức này nói, đồng thời cho biết quân Nga đang thực hiện nhiều động thái để cải thiện khả năng duy trì các hoạt động chiến đấu ở Donbass, và để “chuẩn bị cho những gì chúng tôi tin rằng sẽ là những cuộc tiến công lớn hơn trong tương lai”.
Trong khi đó, nguồn tin cập nhật từ quân đội Anh cho biết Nga tiếp tục gia tăng các vụ pháo kích và tiến quân nhằm giành quyền kiểm soát vùng Donbass. nhưng đã nhiều lần bị các lực lượng của Ukraine đẩy lùi. “Tiến triển của quân Nga tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những thách thức về môi trường, hậu cần và kỹ thuật - những vấn đề đã đeo bám họ từ lâu, kết hợp với khả năng kháng cự của các lực lượng vũ trang Ukraine đang có tinh thần chiến đấu cao”, nguồn tin lưu ý.
Nga trục xuất hàng chục nhà ngoại giao châu Âu
Bộ Ngoại giao Nga hôm 19/4 tuyên bố, 15 nhà ngoại giao từ Hà Lan bị nước này liệt vào danh sách "cá nhân không được hoan nghênh" sẽ buộc phải rời khỏi Nga trong vòng 2 tuần. Thời hạn tương tự cũng được đưa ra đối với 12 nhân viên Đại sứ quán Bỉ, trong khi 4 nhà ngoại giao khác từ Áo chỉ được phép chuẩn bị từ giờ cho đến 24/5 để rời khỏi Nga.
Đây được cho là một động thái "ăn miếng trả miếng" của Moscow đối với 3 nước trên, sau khi Hà Lan, Bỉ và Áo thông báo trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga. Bộ Ngoại giao Nga gọi quyết định trục xuất các phái viên nước này của Hà Lan là "vô căn cứ", còn động thái đuổi 21 phái viên Nga của Bỉ vào tháng trước là "mang tính khiêu khích".
Giới chức Bỉ cảnh báo, các động thái "hoàn toàn phi lý và vô căn cứ" từ Nga sẽ làm gia tăng "sự cô lập trong ngoại giao quốc tế" của nước này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra thì cho biết: “Giờ đây, chúng tôi sẽ xem xét những hậu quả nào sẽ phát sinh từ thực tế là rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi phải rời khỏi Moscow và St. Petersburg".
Việt Anh