Trong quá khứ, nhà máy gang thép Azovstal từng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Ukraine. Là một trong những cơ sở luyện kim lớn nhất châu Âu, nhà máy đã xuất xưởng hơn 4 triệu tấn thép thô mỗi năm và tạo sinh kế cho hàng chục nghìn người.

Nhưng giờ đây, khi Mariupol trở nên tan hoang bởi chiến sự và bị quân Nga bao vây tới hàng tuần, Azovstal đã tạm gác vai trò vốn có của mình. Nhà máy cùng mạng lưới đường hầm dưới lòng đất của nó đang đóng vai trò như một “pháo đài cuối cùng” của hàng nghìn binh lính Ukraine với hơn 1.000 dân thường, theo thông tin được Hội đồng thành phố Mariupol công bố hôm 18/4.

Nhà máy gang thép Azovstal phía sau một tòa nhà bị cháy đen ở Mariupol. Ảnh: Reuters

Azovstal được xây dựng vào năm 1930 dưới thời Liên Xô, và bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 1933. Đến tháng 1/1935, dây chuyền luyện thép được đưa vào hoạt động tại Azovstal.

Năm 1941, do ảnh hưởng của Thế chiến II, các hoạt động sản xuất tại Azovstal buộc phải dừng lại khi Đức Quốc xã chiếm đóng Mariupol. Đến tháng 9/1943, sau khi thành phố được giải phóng, nhà máy được xây dựng lại và trở thành một trong những "đầu tàu" của ngành công nghiệp luyện kim ở Liên Xô, và sau này là Ukraine.

Azovstal hiện được sở hữu bởi tập đoàn gang thép và khai khoáng Metinvest của Rinat Akhmetov, tỷ phú giàu nhất Ukraine. Trong thời bình, nơi này cùng nhà máy thép Ilyich lân cận chiếm khoảng 1/3 sản lượng thép thô của Ukraine vào năm 2019, theo dữ liệu từ nhóm phân tích Trung tâm GMK. Trong năm đó, thép và các ngành liên quan khác đóng góp tới 12% tổng sản phẩm quốc nội của Ukraine.

Ảnh vệ tinh vị trí nhà máy gang thép Azovstal bên trong khu vực phòng thủ của quân đội Ukraine ở Mariupol. Ảnh: Reuters

Sau khi gặp thất bại trong việc tiến công vào thủ đô Kiev trong những ngày đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của mình, các lực lượng Nga đã tập hợp lại ở miền đông Ukraine với một kế hoạch rõ ràng là giành quyền kiểm soát phần lớn khu vực Donbass, gồm các tỉnh Donetsk và Luhansk.

Mariupol, với dân số khoảng 450.000 người trước thời điểm chiến sự, là một trong những vùng đô thị cuối cùng của tỉnh Donetsk nằm ngoài tầm kiểm soát của Moscow. Việc chiếm được thành phố sẽ giúp hình thành cầu nối trên bộ giữa Nga và bán đảo Crưm mà nước này sáp nhập hồi năm 2014.

Hồi đầu tuần, một phó chỉ huy lực lượng ly khai thân Nga tuyên bố trên truyền hình rằng Moscow đã chiếm được 80% thành phố cảng Mariupol. Tuy nhiên, các lực lượng của Ukraine vẫn tiếp tục kháng cự và đang tìm cách "lui về phía Azovstal". Vị phó chỉ huy này mô tả nhà máy như một "pháo đài trong thành phố", thậm chí là một pháo đài cuối cùng.

Nằm ở phía đông Mariupol, Azovstal có tầm nhìn hướng ra Biển Azov, với tổng diện tích hơn 11km vuông cùng một tổ hợp nhiều tòa nhà, lò luyện kim, và một mê cung các con đường và hầm ngầm dưới lòng đất.  

Bên dưới các cấu trúc nổi ở Azovstal là những tổ hợp đường hầm dài hơn 20km, xây dựng bằng bê tông cốt thép với kết cấu cực kỳ phức tạp. Tại đây có thể bố trí hầm trú ẩn, cáp, đầy đủ lương thực nước uống. Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng hệ thống đường hầm dưới lòng Azovstal có thể chịu được áp lực của một vụ nổ hạt nhân quy mô nhỏ.

Ảnh vệ tinh toàn cảnh nhà máy gang thép Azovstal ở Mariupol ngày 9/4. Ảnh: Maxar Technologies 

Tiến sĩ Aglaya Snetkov, chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh của Nga tại Đại học Hoàng Gia London (Anh), cho biết các đường hầm tại Azovstal rộng, kiên cố và phức tạp đến mức cơ sở này cực kỳ khó bị đánh bại bởi các cuộc tấn công của Nga. Yan Gagin, một cố vấn của lực lượng ly khai thân Nga tại tỉnh Donetsk, cũng từng thừa nhận với hãng thông tấn RIA Novosti hồi cuối tuần trước rằng: “Dưới lòng Mariupol, về cơ bản, còn có một thành phố khác”.

Theo ước tính của phe ly khai, khoảng 1.500 đến 3.000 quân nhân Ukraine đang tập trung tại Azovstal, bao gồm lính thủy quân lục chiến, lữ đoàn cơ giới, lữ đoàn vệ binh quốc gia và các thành viên Tiểu đoàn Azov. Song theo bà Mariana Budjeryn - chuyên gia tại Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Belfer trực thuộc Đại học Harvard (Mỹ), quân số, số lượng vũ khí, trang thiết bị hay khả năng tiếp cận các hệ thống phòng không của lực lượng Ukraine tại đây vẫn còn là một ẩn số. 

Ngày 11/4, Eduard Basurin - đại diện lực lượng vũ trang Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cho biết việc tấn công vào các công sự ngầm của Azovstal không có nhiều ý nghĩa. Ông này cho rằng sẽ rất khó để kiểm soát các cơ sở dưới lòng đất, bởi quân đội Nga và lực lượng ly khai sẽ gặp tổn thất đáng kể.

Tuy nhiên, chuyên gia Budjeryn nhận định nếu kiểm soát được Azovstal, đó vẫn sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng đối với Moscow. Do đó, Nga và lực lượng ly khai đã sử dụng nhiều cách khác để loại bỏ phòng tuyến cuối cùng của Ukraine ở Mariupol. Họ liên tục pháo kích, dội hỏa lực vào khu vực nhà máy nhiều tuần qua.

Khói bốc lên từ nhà máy Azovstal trong cuộc pháo kích hôm 19/4 của Nga. Ảnh: Reuters

Hôm 15/4, công ty Metinvest cho biết cuộc bao vây của Nga ở Mariupol đã vô hiệu hóa hơn 1/3 năng lực luyện kim của Ukraine. Giữa tháng trước, Enver Tskitishvili - Giám đốc điều hành Azovstal, cho biết các cuộc giao tranh với quân Nga đã buộc nhà máy phải đóng cửa lần đầu tiên kể từ thời Mariupol bị Đức Quốc xã chiếm đóng.

Tỷ phú Rinat Akhmetov đã phải chứng kiến đế chế kinh doanh của mình bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột kéo dài suốt 8 năm qua ở miền đông Ukraine, nhưng ông vẫn tin vào một ngày việc kinh doanh có thể được phục hồi. Vị tỷ phú gọi những binh sĩ còn bám trụ tại Mariupol là "những người lính dũng cảm", đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ tái thiết thành phố - nơi 90% cơ sở hạ tầng bị phá hủy bởi các cuộc giao tranh.

Ông Enver Tskitishvili cũng cho biết, việc đóng cửa nhà máy chỉ mang tính tạm thời. “Chúng tôi sẽ trở lại thành phố, tái thiết và vực dậy doanh nghiệp của mình. Nhà máy sẽ tiếp tục hoạt động và đem lại vinh quang cho Ukraine như cách mà nó luôn làm”, Giám đốc điều hành Azovstal phát biểu qua video từ Kiev. “Vì Mariupol là của Ukraine, nên Azovstal cũng phải thuộc về Ukraine”. 

Việt Anh