Lại một chương khác thăng trầm của các cường quốc, lần này là Mỹ, Trung Quốc và Nga, đang mở ra.
Tác giả bài viết là Huiyun Feng, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc tế Đan Mạch và là GS khoa học chính trị Đại học bang Utah, Mỹ.
Căng thẳng đang gia tăng giữa Nga và phương Tây, nhất là với Mỹ về vấn đề Ukraine đã gợi nhắc lại bối cảnh thời Chiến tranh Lạnh khi hai siêu cường lao vào những cuộc xung đột để tranh giành phạm vi ảnh hưởng. Một câu hỏi quan trọng đặt ra trong cuộc chơi hiện tại của nền chính trị siêu cường là liệu TQ và Nga có hình thành một liên minh chống lại Mỹ?
Trong bài viết "Châu Á của người châu Á: Tại sao mối hữu nghị Trung-Nga tồn tại" đăng trên tờ Foreign Affairs, tác giả Gilbert Rozman đã liệt kê ra 6 lý do tại sao quan hệ đối tác hai nước lại bền bỉ. Tuy nhiên, tác giả Joseph Nye trong bài viết đăng trên Project Syndicate với tiêu đề "Một liên minh mới Trung-Nga?" lại chỉ ra những vấn đề sâu xa của liên minh này trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự và nhân khẩu học.
Thực tế là, cả Rozman và Nye đều đang nhìn vào hai mặt khác nhau của một đồng xu. Tuy nhiên, có vẻ như họ đang bỏ lỡ một vài thứ. Tương lai của mối quan hệ Trung-Nga phụ thuộc lớn vào mối quan hệ giữa hai nước này với phương Tây, nhất là Mỹ.
Nếu Washington đẩy giá dầu tiếp tục lao dốc, đẩy vấn đề Ukraine lên cao hơn, và NATO mở rộng hướng về phía Nga, và nếu chiến lược tái cân bằng của Mỹ đi quá xa trong nỗ lực chống lại Trung Quốc ở Thái Bình Dương, thì Bắc Kinh và Moscow có thể thực sự tiến tới một liên minh chính thức, thậm chí điều đó không hẳn như những gì ban đầu họ mong muốn.
Ảnh: wordpress |
Một núi hai hổ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đều là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, với khát vọng giành lại vinh quang trong quá khứ.
Chính sách ngoại giao mới của ông Tập Cận Bình đưa ra những quan điểm cứng rắn về tranh chấp ở Hoa Đông (với Nhật Bản) và Biển Đông (với các nước Đông Nam Á). Trong khi đó, cả thế giới đã được chứng kiến Putin quyết đoán thế nào trong việc sáp nhập Crimea và xử lý cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine. Cả hai đều tin rằng, đất nước của họ không được đối xử công bằng trong quá khứ và đều không tán thành trật tự quốc tế hiện tại.
Tuy nhiên, những điểm tương đồng không khẳng định rằng, hai nhà lãnh đạo này sẽ đơn giản sát cánh với nhau. Như người Trung Quốc thường nói, một núi không thể có hai hổ. Cả ông Tập Cận Bình và Putin đều đang theo đuổi sứ mệnh phục hưng quốc gia, nhưng hai dân tộc không cùng chung chiều dài lịch sử. Dù cả hai đều không thích trật tự thế giới kiểu phương Tây do Mỹ dẫn dắt, nhưng họ lại không chia sẻ tầm nhìn chung về cái gọi là trật tự thế giới mới.
Bắc Kinh từng không "khuất phục" Moscow thời Chiến tranh Lạnh dù cả hai chung ý thức hệ tư tưởng. Về phần mình, mặc dù đối mặt với những khó khăn to lớn về kinh tế do các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau cuộc khủng hoảng Ukraine thì người Nga cũng thể hiện rõ ràng rằng, những gì họ cần là sự ủng hộ về mặt ngoại giao của TQ chứ không phải là viện trợ kinh tế. Mặc dù cả hai nước phải đối mặt với những thách thức về mặt sắc tộc tại Chechnya và Tân Cương, nhưng nhìn nhận của TQ về Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng cũng khiến một số người Nga không tán thành.
Nghĩa là có thể nói, ông Tập Cận Bình và Putin là hai người "đồng sàng dị mộng" cùng chung mục tiêu chống phương Tây nhưng giấc mơ lại khác hẳn nhau.
Mất cân bằng thương mại và khác biệt chiến lược
Quan hệ kinh tế là nhân tố chìa khóa trong mối quan hệ Trung - Nga.
Thương mại song phương đã gia tăng đáng kể, đạt 95 tỉ USD năm 2014, nghĩa là đã rất gần với mục tiêu 100 tỉ USD năm 2015. Trong năm 2014, Nga đã ký kết thỏa thuận năng lượng 30 năm trị giá 400 tỉ USD với TQ.
Tuy nhiên, ngay cả khi mối quan hệ đang thắt chặt thì hai nước vẫn có những vấn đề tồn tại trong bản chất. Đầu tiên, thương mại Trung - Nga vẫn ở thế mất cân bằng, do hạn chế chủ yếu ở ba địa hạt dầu, khí đốt và vũ khí. EU vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Nga trong khi Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga, nhưng Nga lại chỉ đứng thứ 8 với Trung Quốc và chỉ chiếm 2% tổng khối lượng thương mại của Trung Quốc. Nói một cách khác, mặc dù Bắc Kinh và Moscow có thể không ưa phương Tây nhưng Trung Quốc không thể hy sinh thị trường Mỹ, còn Nga không thể từ bỏ châu Âu.
Thứ hai, các thỏa thuận năng lượng giữa hai nước không thực sự ở thế "cùng có lợi" vì những mối quan tâm chung dựa trên các lợi ích tương ứng. Cả hai nước hiểu rõ sự phụ thuộc thái quá sẽ kèm theo những tổn thương rủi ro tiềm năng.
Trung Quốc vẫn nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lương bằng cách thắt chặt hợp tác kinh tế với Trung Á - sân sau truyền thống của Nga. Trong khi đó, Nga cũng tăng cường mở rộng thị trường năng lượng sang các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Mông Cổ, Hàn Quốc và thậm chí là cả Triều Tiên. Dù cố ý hay không, thì sự hợp tác năng lượng của Nga với một số nước châu Á cũng khiến Trung Quốc cảm thấy không thoải mái về mặt chiến lược. Nga cũng rất lo ngại "vành đai kinh tế con đường tơ lụa" của Trung Quốc xuyên qua Trung Á sẽ làm suy yếu ảnh hưởng địa chính trị của Nga ở khu vực này.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là giao dịch vũ khí của Nga với Trung Quốc. Chắc chắn Nga là nhà cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc, nhưng Moscow khá miễn cương trong việc chuyển giao công nghệ hiện đại cho Trung Quốc - một đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Thỏa thuận hệ thống tên lửa S-400 vào cuối năm 2014 được coi là một quyết định thiên về hướng tài chính hơn là chiến lược. Hợp tác quân sự của Nga với các nước láng giềng Trung Quốc giống như một sự răn đe, hay nỗ lực cân bằng ảnh hưởng.
Khó hòa hợp
Trung Quốc là một cường quốc châu Á với các tham vọng toàn cầu. Nga về mặt lịch sử tự coi mình là một cường quốc châu Âu dù gần đây đã khởi động trục xoay hướng về châu Á. Cả hai nước đã có một lịch sử khá chua chát. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Lạnh, họ dường như tìm được động lực để liên kết chống lại bá quyền Mỹ.
Trung Quốc và Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào cuối những năm 1990 khi Mỹ duy trì hệ thống đơn cực. Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác này chỉ được coi là "trục tiện ích" trong lúc cả hai nước đều hướng tới việc cải thiện quan hệ với Mỹ kể cả lúc công khai tuyên bố chống bá quyền.
Nói một cách khác, cái gọi là quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc đơn giản chỉ là công cụ ngoại giao của cả hai nước trong cuộc cạnh tranh thu hút sự chú ý từ Mỹ sau Chiến tranh Lạnh.
Thời hậu đơn cực, là một cường quốc trỗi dậy, Bắc Kinh đang giành nhiều tiếng nói quốc tế và ảnh hưởng lớn hơn trong khi Moscow có vẻ lại bị mất đi, thể hiện qua các cuộc họp APEC và G20 2014. Hiện tại, cả hai nước đều có vấn đề với phương Tây, nhưng quan hệ không mấy thoải mái của họ trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cho thấy khả năng cạnh tranh chiến lược và kinh tế sẽ diễn ra ở Trung Á, và thậm chí khó hòa giải về lợi ích của hai bên trong nỗ lực khẳng định sức mạnh ở khu vực.
Lại một chương khác thăng trầm của các cường quốc, lần này là Mỹ, Trung Quốc và Nga, đang mở ra. Còn quá sớm để định nghĩa về mối quan hệ Trung - Nga là "đối tác" hay "liên minh" bởi không có bạn bè vĩnh cửu trong thế giới chính trị, chỉ có lợi ích là vĩnh cửu.
Quan hệ Nga-Trung vẫn thiếu nền tảng vững chắc là sự tin cậy lẫn nhau. Chỉ khi có một mối đe dọa chung từ phương Tây mới có thể đẩy hai nước tiến gần nhau hơn trong quan hệ kinh tế, quân sự. Điều này nằm trong các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Minh Tâm (Theo Diplomat)