TP.HCM chưa có chung cư nào được xếp hạng 

Thống kê chưa đầy đủ, TP.HCM hiện có 1.521 chung cư. Trong đó, 906 chung cư phải thành lập ban quản trị nhưng chỉ có 801 chung cư có ban quản trị. 41 chung cư có tranh chấp về phí bảo trì. 

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, kể từ khi Thông tư số 31/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư có hiệu lực thi hành ngày 15/2/2017 đến nay, đơn vị này chưa nhận được bất kỳ đề nghị nào từ tổ chức, cá nhân liên quan đến việc công nhận hạng nhà chung cư. (Xem chi tiết)

Kiến nghị dừng đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Liên quan đến quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang được lấy ý kiến, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) kiến nghị Bộ Xây dựng không nên tiếp tục đề xuất quy định này. 

Một lô chung cư cũ thuộc Cư xá Thanh Đa, Q.Bình Thạnh. (Ảnh: Anh Phương)

Theo HoREA, đề xuất chủ sở hữu nhà chung cư sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện hư hỏng phải phá dỡ, dù được tiếp tục sử dụng phần đất có nhà chung cư nhưng phải nộp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư mới sẽ tăng gánh nặng và độ phức tạp cho công tác quản lý Nhà nước.

HoREA cho rằng, quyền sở hữu nhà chung cư không phải là nguyên nhân chính dẫn đến vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hư hỏng. Dẫn chứng là nhiều xây dựng lại chung cư tại TP.HCM đã thành công và điểm chung của những dự án này là “hợp lòng dân”. (Xem chi tiết)

Hơn 20.000 căn nhà vẫn bị ‘treo’ sổ hồng

HĐND TP.HCM vừa có buổi giám sát về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất (sổ hồng) tại các dự án nhà ở thương mại tại Q.7 và huyện Nhà Bè. 

Q.7 hiện có 29 chung cư và 2 dự án nhà ở với tổng số 16.900 căn nhà chưa được cấp sổ hồng. Trong khi đó, huyện Nhà Bè có 3.844 căn hộ và nhà ở riêng lẻ chưa có sổ hồng. 

Nguyên nhân dẫn đến hơn 20.000 căn nhà nói trên chưa được cấp sổ hồng là do vướng mắc tại khâu xác định tiền sử dụng đất hoặc chủ đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất. Ngoài ra, một số dự án đang bị kiểm tra, đề nghị tạm dừng giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. 

Ngang nhiên rao bán đất không sổ giữa rừng tự nhiên 

Tuần qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin chào bán lô đất nằm lọt thỏm giữa rừng tự nhiên tại tiểu khu 483A, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. 

Theo tin rao, khu đất này có diện tích thực tế khoảng 9 sào, cam kết không dính đất rừng, không tranh chấp, ra trích lục tên người mua. Bán nguyên lô nhưng có hỗ trợ tách nhỏ. Chưa dính dự án nào, mua có thể mở dịch vụ như quán cà phê. 

Chính quyền địa phương xác nhận, xung quanh lô đất đang được rao bán là khoảnh 12, tiểu khu 483 A thuộc đất rừng tự nhiên sản xuất do UBND thị trấn Măng Đen quản lý. Còn lô đất đang được rao bán là đất trồng cây lâu năm, chính quyền địa phương chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất kỳ cá nhân nào. 

Làm rõ sai phạm tại dự án Khu dân cư Phước Tân

Thanh tra Chính phủ vừa yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai giao công an tỉnh điều tra hành vi huy động vốn trái phép của Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát tại dự án Khu dân cư Phước Tân (P.Phước Tân, TP.Biên Hoà). 

Đồng thời, có phương án điều chỉnh chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi tại dự án trên. 

Nhiều sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ nêu ra tại thông báo kết quả kiểm tra nội dung đơn khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến việc thu hồi đất tại dự án khu dân cư Phước Tân. 

Cụ thể, quá trình định giá đất để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự án có nhiều thiết sót, hạn chế dẫn đến đơn giá đất bồi thường chưa đúng với giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất. 

Sau khi được giao đất, chủ đầu tư chưa thi công hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhưng đã ký hợp đồng huy động vốn của khách hàng. Tổng nền đất được chuyển nhượng tại dự án là 673 nhưng đến nay chủ đầu tư đã ký hợp đồng góp vốn 700 nền đất.