Chỉ đạo thu hồi dự án ‘tứ giác vàng’ Mả Lạng 

UBND TP.HCM vừa giao các sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1 (còn được gọi là khu Mả Lạng). 

Đây là dự án khu phức hợp, khách sạn, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại, quy mô 6,8ha được giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư từ năm 2007. 

Từ đó đến nay dự án này vẫn “án binh bất động” và mới đây UBND TP.HCM chỉ đạo xem xét, chấm dứt dự án. (Xem chi tiết)

Một con hẻm trong khu Mả Lạng. (Ảnh: B.T)

Sau khi có văn bản chính thức về việc thu hồi dự án của cơ quan có thẩm quyền, UBND Q.1 cho biết sẽ hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân về đất đai, xây dựng. Đồng thời, UBND Q.1 sẽ thu hồi các thông báo thu hồi đất đã ban hành trước đó. (Xem chi tiết)

Khảo sát người dân lý do chưa được cấp giấy chứng nhận nhà đất 

Ban Đô thị HĐND TP.HCM đang khảo sát về công tác cấp giấy chứng nhận nhà đất cho người dân tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn. 

Mục đích của cuộc khảo sát này là để có cơ sở thống kê một cách đầy đủ và chính xác, nhằm giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận nhà đất. 

Ngoài thông tin về dự án, chủ đầu tư, thời gian nhà ở đưa vào sử dụng đến nay, Ban Đô thị HĐND TP.HCM còn khảo sát về lý do nhà ở chưa được cấp giấy chứng nhận. (Xem chi tiết)

Cư dân bị ép đóng phí quản lý cao, liên tục bị cắt nước

Đây là câu chuyện xảy ra tại chung cư Ricca (33/2 Gò Cát, P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức). Dự án này do Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Dịch vụ Tân Phú làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành là đơn vị phát triển. 

Cư dân chung cư Ricca phản đối việc thu phí quản lý và bị cắt nước. (Ảnh: Anh Phương) 

Theo cư dân chung cư Ricca, đến tháng 1/2023, chủ đầu tư đã bàn giao nhà được 1 năm. Đây là thời điểm kết thúc thoả thuận về mức phí quản lý 13.200 đồng/m2/tháng. 

Trong lúc chờ hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị, cư dân đề nghị đóng phí quản lý bằng 50% mức giá cũ hoặc 9.000 đồng/m2/tháng nhưng ban quản lý không chấp nhận. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các hộ dân tại chung cư Ricca bị cắt nước nhiều ngày. (Xem chi tiết)

Giá đất bồi thường mới ở TP.HCM tối đa hơn 810 triệu đồng/m2

UBND TP.HCM vừa ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trong năm 2023. 

Trong đó, hệ số K của đất ở gấp 3 – 25 lần giá đất Nhà nước. Đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì đất thương mại, dịch vụ tính bằng 80% đất ở liền kề còn đất nghĩa trang, giáo dục, tôn giáo tính bằng 60% đất ở liền kề. 

Tuỳ quận - huyện, đất nông nghiệp có hệ số K dao động từ 5 – 38 lần, trong đó mức tối đa tăng 3 lần so với năm 2022. (Xem chi tiết)

Người Việt “cày cuốc” bao nhiêu năm mới mua được nhà?

Theo khảo sát của một đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản, giá trung bình nhà mặt phố ở Hà Nội đang rao bán là 22,8 tỷ đồng/căn, biệt thự có giá 17,8 tỷ đồng/căn, nhà riêng có giá 6,3 tỷ đồng/căn và căn hộ chung cư là 3,1 tỷ đồng/căn. 

Ước tính thu nhập bình quân của người dân Hà Nội năm 2023 là 135 triệu đồng/năm. Nếu dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà thì người dân phải mất 169 năm mới có thể sở hữu nhà mặt phố, 132 năm với biệt thự, 47 năm nếu mua nhà riêng và 23 năm nếu mua căn hộ chung cư. 

Với thu nhập 148 triệu đồng/năm, người dân TP.HCM phải mất 169 năm mới có thể mua được nhà mặt phố. (Ảnh: Hoàng Hà)

Trong khi đó, mức thu nhập bình quân của người dân TP.HCM năm 2023 ước tính khoảng 148 triệu đồng/năm. Tại đây, giá rao bán trung bình một căn nhà mặt phố là 25 tỷ đồng, tương đương với 169 năm thu nhập bình quân. Giá trung bình mỗi căn biệt thự là 24 tỷ đồng, tương đương 162 năm thu nhập. 

Giá nhà riêng khoảng 7,9 tỷ đồng/căn, tương đương 53 năm thu nhập. Căn hộ chung cư được rao bán với mức giá trung bình 3,5 tỷ đồng/căn, gần bằng 24 năm thu nhập. (Xem chi tiết)