Sức mạnh của nền kinh tế streaming

Video đang là tương lai của nền kinh tế nội dung trên Internet, còn livstream sẽ trở thành xu hướng của các nội dung video. Nhiều thống kê đã chỉ ra rằng, trong năm 2018, 80% người dân Mỹ xem nội dung trên các nền tảng livestream hàng tuần. 

Mỗi người Mỹ xem nội dung video trung bình khoảng 83 phút/ngày. Trong đó, thời lượng xem các nội dung livestream nhiều gấp 10 lần so với các video tĩnh. Khoảng 42% người dùng Mỹ cho biết chính bản thân họ cũng từng là người phát đi nội dung livestream trên mạng. 

{keywords}
Cùng với sự phát triển của tốc độ kết nối Internet và cấu hình các thiết bị đầu cuối, dịch vụ streaming sẽ được ứng dụng nhiều hơn vào giải trí, hội họp trực tuyến và bán hàng online.  

Thực tế là người dùng có xu hướng chia sẻ nhiều hơn trên mạng xã hội đối với các nội dung dưới dạng video. Tỷ lệ người dùng chia sẻ nội dung video nhiều hơn khoảng 39% so với các nội dung tĩnh như text và ảnh. 

Thống kê cũng cho thấy, 48% người dùng đã từng chia sẻ video về một nhãn hàng nào đó trên mạng xã hội. Quảng cáo video vì thế cũng thu hút được lượng tương tác cao hơn 30% và thời gian xem gấp 3 lần so với các loại hình quảng cáo thông thường. 

Khoảng 10 năm trước, video livestream thường chỉ được dùng để truyền tải nội dung game. Thế nhưng, với sự phát triển mạnh của hạ tầng kết nối Internet và cấu hình của các thiết bị đầu cuối, livestream giờ đây đang được ứng dụng nhiều hơn vào các nội dung giải trí, thương mại điện tử,...

{keywords}
Dịch vụ streaming của Netflix có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong đại dịch Covid-19. 

Trong đại dịch Covid-19, những nền tảng streaming phim, âm nhạc đang cho thấy sự vượt trội của mình so với cách thức phân phối nội dung truyền thống. Chỉ cần mua 1 gói dịch vụ Netflix với giá tương đương một túi bỏng ngô ngoài rạp, người dùng đã có thể xem rất nhiều bộ phim mà không cần ra khỏi nhà. 

Chính vì lý do này, hàng loạt các siêu phẩm bom tấn đã chọn các nền tảng streaming làm nơi công chiếu. Sự chuyển hướng tiếp cận này đã cứu nhiều nhà sản xuất khỏi một “bàn thua trông thấy" trong mùa dịch. 

Theo dự báo, đến năm 2022, video sẽ chiếm khoảng 82% lưu lượng Internet. Con số này thậm chí có thể đạt 90% nhờ sự phát triển của 5G. Đây chính là những tiền đề để nền kinh tế streaming có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. 

Trung Quốc kiếm hàng tỷ USD nhờ livestream qua mạng

Trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp livestream đang trở thành một trào lưu tại Trung Quốc. Quốc gia này đã rất thành công trong việc phát triển live commerce - một hình thức kết hợp giữa livestream và thương mại điện tử.

Theo báo cáo của iiMedia Research Group, lĩnh vực live commerce tại Trung Quốc đã có mức doanh thu 61 tỷ USD trong năm 2019. Con số này trong năm 2020 sẽ là 136 tỷ USD. Live commerce hiện chiếm khoảng 7% trong cơ cấu doanh thu 867 tỷ USD của cả ngành thương mại điện tử tại Trung Quốc và được dự đoán sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. 

{keywords}
Hình ảnh mô tả một phiên livestream bán hàng ở Trung Quốc. Sự kết hợp giữa livestream và thương mại điện tử tại quốc gia này đã tạo ra một ngành công nghiệp với quy mô hàng chục tỷ USD.

Trải nghiệm live commerce tại Trung Quốc được ví như sự kết hợp giữa nền tảng livestream Facebook Live và trang thương mại điện tử Amazon. 

Không giống như trải nghiệm 2D khi vào các trang web thương mại điện tử thông thường, kênh livestream cho phép người mua hàng có thể nhìn sản phẩm ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chính điều này đã khiến doanh số bán hàng của live commerce tăng trưởng mạnh so với hình thức TV Shopping truyền thống. 

Trong đại dịch Covid-19, nhiều nhà bán lẻ Trung Quốc đã chuyển sang live commerce như một cách để cứu vãn tình thế. Kết quả là, trong năm 2020, số người bán hàng thông qua livestream trên Taobao Live (nền tảng live streaming lớn nhất Trung Quốc) tăng gần 300%. Riêng trong tháng 2/2020, thời điểm bùng phát của làn sóng Covid-19 đầu tiên, số người bán hàng trên nền tảng này đã tăng 720% so với chỉ 1 tháng trước đó. 

{keywords}
Livestream đã trở thành một kênh bán hàng chính yếu đối với nhiều doanh nghiệp Trung quốc. 

Tại Trung Quốc, live commerce đang trở thành kênh bán hàng chủ lực của nhiều cửa hàng, doanh nghiệp. Không chỉ nông dân, hộ kinh doanh cá thể mà ngay cả các quan chức địa phương, người nổi tiếng cũng tham gia vào trào lưu này. 

Tháng 4/2020, tỷ phú Jack Ma - người sáng lập Tập đoàn Alibaba đã tham gia vào một cuộc thi bán hàng online với ngôi sao livestream Lý Giai Kỳ (Austin Li). Đến tháng 8 cùng năm, CEO Lei Jun của Xiaomi cũng đã lần đầu tiên trực tiếp tham gia vào một buổi livestream bán hàng trên mạng, từ đó thu về số tiền 30 triệu USD.

Trong Quý 3/2020, chỉ riêng Vi Á (Huang Wei) - người được mệnh danh là “nữ hoàng livestream Trung Quốc” đã có doanh thu bán hàng lên tới 890 triệu USD. Các ngôi sao khác trong top 50 streamer hàng đầu Trung Quốc như Lý Giai Kỳ hay Xin Youzhi cũng có mức doanh thu hàng chục, hàng trăm triệu USD. 

{keywords}
Cụ Cui Shuxia (Thiểm Tây, Trung Quốc) đang bán những quả mơ mà mình trồng được thông qua hình thức livestream. 

Chính sự xuất hiện của những ngôi sao livestream đã tạo nên một cơn sốt đối với cộng đồng mạng nước này. Cũng vì lẽ đó, livestreaming đang trở thành kênh bán hàng phổ biến và dễ tiếp cận với mọi thành phần trong xã hội Trung Quốc. 

Từ những người nông dân bán hoa quả tại vườn, nhân viên môi giới chứng khoán cho tới các tour du lịch, đâu đâu người ta cũng thấy sự xuất hiện của các streamer. 

Và cũng từ đây, livestream đã trở thành một kỹ năng không thể thiếu của các nhân viên kinh doanh. Thậm chí, Trung Quốc đã liệt kê livestream là 1 trong 10 nghề nghiệp mới cùng với kỹ sư blockchain và tiếp thị Internet. 

Sự xuất hiện của nền kinh tế streaming với những ví dụ sinh động tại thị trường Trung Quốc sẽ là một mô hình đáng học hỏi cho Việt Nam. Với dân số trẻ, yêu thích công nghệ và tỷ lệ người sử dụng Internet cao, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để biến livestream trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn trong nền kinh tế số.

(Còn tiếp)

Trọng Đạt

(Kỳ 2: Người Việt có thể kiếm thu nhập 350 triệu/tháng nhờ livestream)