Cô Feng Chuncui là một bác sĩ phụ khoa tại bệnh viện trung ương thuộc thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc, nơi lực lượng y tế nước này đang phải ‘chiến đấu’ với dịch virus viêm phổi corona cũng như sự thiếu hụt các trang thiết bị y tế. Cuối tháng trước, một đồng nghiệp của Feng đã nhiễm virus corona và lây bệnh cho cô, khiến Feng buộc phải cách ly trong bệnh viện.

“Bệnh viện chúng tôi mỗi ngày nhận được rất nhiều bệnh nhân và chỉ có ít người trong số đó xuất viện. Chúng tôi đã phải dùng đi dùng lại mặt nạ y tế, đồ bảo hộ, kính y tế và chất khử trùng. Mặt nạ y tế duy nhất tôi có hiện nay được lấy từ phòng làm việc trước khi tôi nhập viện, và tôi đã đeo nó hơn một tuần nay”, SCMP trích lời cô Feng nói.

{keywords}
Việc thiếu trang thiết bị y tế diễn ra tại nhiều thành phố nhỏ thuộc tỉnh Hồ Bắc, TQ. Ảnh: THX

Thành phố Hiếu Cảm là nơi cư trú của hơn 4,8 triệu dân, và chỉ cách vùng tâm dịch viêm phổi Vũ Hán có 60km về phía đông. Trong khi thành phố Vũ Hán hiện đang là tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế và các nguồn đóng góp chống dịch bệnh, thì nguồn cung cấp thiết bị y tế cho những thành phố nhỏ trong tỉnh Hồ Bắc như Hiếu Cảm lại không được chú ý tới.

Thị trưởng thành phố Hiếu Cảm Wu Haitao hôm 1/2 vừa qua cho biết, toàn thành phố này cần 32.300 khẩu trang y tế N95, 150.700 mặt nạ y tế thường và gần 8.100 bộ đồ bảo hộ y tế trong đầu tháng Hai.

Tình hình tương tự cũng xảy ra tại thành phố Hoàng Cương năm phía tây vùng dịch Vũ Hán, nơi có tới hơn 7,5 triệu dân. Theo dữ liệu di dân của Baidu được SCMP trích dẫn, hai thành phố Hoàng Cương và Hiếu Cảm là điểm đến hàng đầu cho hơn 5 triệu dân Vũ Hán rời khỏi thành phố trước khi lệnh phong tỏa dịch bệnh có hiệu lực vào ngày 23/1 vừa qua.

Tuy nhiên theo số liệu được Tân Hoa xã thống kê tính tới sáng 5/2, đã có 1.645 người nhiễm virus corona tại Hoàng Cương, và 1.462 trường hợp dương tính với bệnh viêm phổi được phát hiện tại Hiếu Cảm. Điều này chỉ ra rằng, hai thành phố trên chỉ xếp sau Vũ Hán về quy mô dịch bệnh viêm phổi lan truyền trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Chính quyền thành phố Hoàng Cương đã cố gắng kiềm chế dịch bệnh bằng cách chặn hết các tuyến đường bộ lẫn đường sắt ra và vào thành phố, cũng như cho phép mỗi gia đình được cử người đi nhận đồ tiếp tế hai ngày một lần. Chỉ có những người làm việc tại các tạp hóa, siêu thị, nhà thuốc, cũng như những người nhiễm bệnh cần được tới chỗ bác sĩ là được ngoại lệ.

{keywords}
Các bác sĩ khử trùng sau khi tiếp xúc bệnh nhân corona

“Cô tôi bị nhiễm virus corona và phải nhập viện… Trong bệnh viện, các y tá chỉ được đeo mặt nạ y tế thường để bảo vệ sức khỏe của họ trước một số lượng lớn bệnh nhân. Chị tôi cũng không mua được cồn sát khuẩn để khử trùng ngôi nhà. Chúng tôi cố mua hàng trên mạng, nhưng vì lệnh phong tỏa nên tất cả các hãng vận chuyển đều không giao hàng tới thành phố”, một cư dân thành phố Hoàng Cương nói.

Bác sĩ Zhang Xiaofeng làm việc tại bệnh viện huyện Hiếu Xương, vùng ngoại ô thành phố Hiếu Cảm cho biết, chính quyền địa phương này đã ra thông cáo yêu cầu bệnh viện điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona từ cuối tháng trước. Và tất cả giường bệnh tại đây đã kín hết chỉ trong hai ngày.

“Chúng tôi thiếu trang thiết bị y tế, mặt nạ và đồ bảo hộ. Lãnh đạo bệnh viện mỗi ngày đều phải bàn bạc về việc tìm nguồn cung ứng thiết bị y tế. Tình hình trở nên phức tạp hơn do lệnh phong tỏa”, bác sĩ Zhang nói.

Một bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương thành phố Hiếu Cảm trả lời Southern Metropolis News hôm 2/2 cho biết, trang thiết bị y tế tại bệnh viện này sẽ hết trong vòng môt tuần. “Vì giao thông bị kiểm soát, một số khoản đóng góp và cung cấp thiết bị y tế không thể tới tay chúng tôi, và điều này khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn”, vị bác sĩ giấu tên này nói.

Tuấn Trần