Bán cắt lỗ nhưng giá cao hơn thị trường

Có nhu cầu mua nhà chung cư ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nên cứ rảnh rỗi là chị Hà Anh (32 tuổi, quê Hưng Yên) lại lên các website đọc thông tin rao bán căn hộ. Thời gian đầu, chị thường bị thu hút bởi những mẩu tin rao bán “cắt lỗ”, rồi liên lạc qua điện thoại để hỏi thông tin. Thế nhưng, sau hai lần bị “sập bẫy”, chị nhận định đây chỉ là chiêu trò “lùa gà” của môi giới.

{keywords}
 
{keywords}
Căn hộ “cắt lỗ 900 triệu” giá cao hơn căn không cắt lỗ tại cùng một dự án

Chị Hà Anh cho biết, lần đầu tiên chị bị “bẫy” bởi một thông tin rao bán căn hộ chính chủ ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, rộng 55m2 với mức giá “cắt lỗ” rẻ hơn thị trường 200 triệu đồng, chỉ còn 1,7 tỷ đồng. Chị gọi điện thoại hỏi thêm thông tin thì mới biết, bài đăng là căn hộ chính chủ nhưng thực tế lại là môi giới. Anh ta nói rằng căn hộ chị quan tâm đã bán rồi. Tuy nhiên, anh ta có một quỹ căn hộ ở các dự án khác với mức giá tương đương, có thể dẫn chị đi xem luôn. Chị từ chối bởi đó là những dự án mà chị không có dự định mua.

Một lần khác, chị Hà Anh đọc được tin rao bán căn hộ khá úp mở. Thông tin trong bài nói rằng do làm ăn không thuận lợi, cần tiền nên bán gấp căn hộ 64m2, 2 phòng ngủ, chấp nhận cắt lỗ 300 triệu đồng. Giá có thể thương lượng thêm nếu khách thiện chí. Vì thông tin rao bán không ghi giá nên chị Hải Anh tò mò, gọi điện hỏi thì được người này cho biết giá bán là 2,5 tỷ, giảm 300 triệu so với giá chủ đầu tư khoảng 2,8 tỷ.

“Nghe xong tôi giật mình. Bởi với mức giá 2,5 tỷ cho 64m2 thì tính trung bình là 39 triệu/m2, trong khi theo thông tin tôi nắm được về dự án này, căn hộ có diện tích như vậy, giá thường chỉ khoảng 35 – 37 triệu/m2. Tức là họ rao bán “cắt lỗ” nhưng mức giá lại còn cao hơn cả giá trung bình của thị trường”, chị Hà Anh phân tích.

“Cắt lỗ” thật hay chiêu trò?

Bất chấp dịch Covid-19 hoành hành suốt hơn 2 năm nay, giá căn hộ chung cư ở nước ta vẫn tăng giá. 

Báo cáo về thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản năm 2021, Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Mới đây, theo báo cáo tháng 1/2022 của một trang thông tin bất động sản, giá chung cư tại Hà Nội đầu năm 2022 tăng 4,6 lần so với mức giá trung bình của năm 2021.

{keywords}
Người mua nhà cũng cần có cái nhìn tỉnh táo về thị trường, tránh sa đà vào những thông tin “ảo” rao bán căn hộ cắt lỗ

Giá căn hộ chung cư tăng, cung ít cầu nhiều nhưng dễ dàng nhận thấy, các thông tin rao bán căn hộ “cắt lỗ” xuất hiện nhan nhản trên các kênh mua bán bất động sản. Nghịch lý ở chỗ, dù là cắt lỗ nhưng giá lại ngang với giá thị trường, thậm chí cao hơn.

Khảo sát trên các trang mua bán bất động sản, cùng là căn góc 3 phòng ngủ, diện tích 126m2 tại một dự án chung cư cao cấp trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, một căn được rao bán bình thường với giá 5,7 tỷ, tức 45 triệu/m2; trong khi một căn khác “cắt lỗ 900 triệu” giá lại lên tới 6,1 tỷ, tức 48,4 triệu/m2. Tại một dự án chung cư trên đường Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm, căn hộ 103m2 được rao bán cắt lỗ 300 triệu, nhưng giá tới 3,2 tỷ đồng. Trong khi đó, một căn khác 104m2, không cắt lỗ giá chỉ 3 tỷ đồng, có thương lượng…

Anh Hoàng P., một nhân viên môi giới bất động sản nhiều năm kinh nghiệm, cho biết các căn hộ bán giá cắt lỗ thực sự vẫn có nhưng rất hiếm. Người bán cắt lỗ thường là do cần tiền gấp hoặc căn hộ xây lâu đã xuống cấp, dự án mới nhưng có rắc rối về pháp lý, tranh chấp với chủ đầu tư… Còn đại đa số các tin rao cắt lỗ chỉ là chiêu đánh vào tâm lý người mua.

“Môi giới cũng phải mất phí để được đăng tin hoặc tin hiển thị ở những vị trí đẹp nên cần nghĩ ra cách thu hút khách, đặc biệt là yếu tố giá cả. Các thông tin giảm sâu, giảm sốc, cắt lỗ, bán gấp do vỡ nợ… thường được chú ý nhiều hơn. Khi khách hàng gọi tới, môi giới sẽ giới thiệu, tiếp thị cho họ những căn hộ khác hoặc thu thập được thông tin của họ - tệp khách hàng “nét”, có nhu cầu thực”, anh P. nói.

Một trường hợp khác là những nhà đầu cơ rao bán cắt lỗ. Những người này mua căn hộ nhằm mục đích kiếm lời. Thời gian đầu, họ kỳ vọng lợi nhuận cao, có thể khoảng 15 – 25% nhưng vì một lý do gì đó như thanh khoản chậm, cần tiền đầu tư lĩnh vực khác… nên họ giảm kỳ vọng lãi xuống còn khoảng 10% - 15%. Họ rao bán cắt lỗ là để thu hút người mua. Thực tế giá bán của họ vẫn ngang bằng hoặc nhỉnh hơn thị trường, họ vẫn có lợi nhuận nên có thể coi là họ “cắt lãi” chứ không phải “cắt lỗ”.

Theo anh P., giá căn hộ được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới, nhu cầu nhà ở của người dân còn nhiều trong khi số dự án mở bán không nhiều nên việc bán cắt lỗ là khó xảy ra. Do vậy, người mua nhà cũng cần có cái nhìn tỉnh táo về thị trường, tránh sa đà vào những thông tin “ảo” rao bán căn hộ cắt lỗ sẽ rất mất thời gian.

Thùy Minh

Tháo chạy khỏi homestay, đại gia ‘đứt ruột’ cắt lỗ sâu hàng tỷ đồng

Tháo chạy khỏi homestay, đại gia ‘đứt ruột’ cắt lỗ sâu hàng tỷ đồng

Áp lực nợ nần hoặc tốn kém chi phí duy trì, hàng loạt nhà đầu tư rao bán cắt lỗ, giảm giá sâu homestay hàng tỷ đồng.