Nghiên cứu giải pháp miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Nghiên cứu giải pháp miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương

Trong Nghị quyết 129 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 mới được ban hành, Chính phủ thống nhất đánh giá, với quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội.

Yêu cầu các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong thời gian tới tuyệt đối không lơ là, chủ quan với dịch, Chính phủ cũng nêu rõ, cần tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Với các bộ, cơ quan, địa phương, một trong những nội dung Chính phủ yêu cầu chú trọng là khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại, đổi mới cách thức quản trị để thích ứng với tình hình mới; tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương để phát triển kinh tế số, tạo bứt phá.

Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về những nỗ lực của toàn xã hội trong việc thực hiện "mục tiêu kép”; kịp thời phản bác lại các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc xây dựng nền tảng hạ tầng số chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước; tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các công việc, nhiệm vụ xây dụng Chính phủ điện tử.

Trình giải pháp miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện DVCTT trong tháng 10

Dành một mục riêng trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2020 để đề cập đến việc xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai các công việc, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại cuộc họp của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử vào ngày 26/8/2020.

Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương mình, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ trong quý IV/2020. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa, điện tử hóa các thủ tục hành chính và xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Với Bộ TT&TT, Chính phủ giao Bộ này chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất giải pháp giảm giá thành duy trì, vận hành chữ ký số công cộng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2020.

Ban Cơ yếu Chính phủ phải đẩy nhanh tiến độ triển khai phân cấp, ủy quyền một số dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại văn bản 3402 ngày 29/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Cùng với đó, trong tháng 9/2020, các địa phương hoàn thành triển khai việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thực hiện ghi nhận tính pháp lý của hồ sơ điện tử theo thẩm quyền.

Đặc biệt, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ giải pháp miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và các chi phí liên quan (bưu chính, tài khoản). Thời hạn phải hoàn thành nhiệm vụ này là trong tháng 10/2020.

Trên thực tế, miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến và các chi phí liên quan như phí chuyển phát dịch vụ bưu chính công ích đã được một số địa phương chọn áp dụng trong một giai đoạn nhất định nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 

Bộ TT&TT đánh giá, trong tháng 8/2020 các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử đã tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm và tích cực triển khai. Đặc biệt, các biện pháp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ mức 4 trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tiếp tục được tăng cường.

Theo thống kê, tính đến 20/8, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã đạt 17,97%, tăng 2,06% so với tháng 7; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 có phát sinh hồ sơ cũng tăng nhẹ so với tháng 7, đạt 29,81%; và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến là 22,15%. Cùng với đó, các nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số quốc gia cũng tiếp tục được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.

M.T

Bộ TT&TT thúc giục các bộ, tỉnh đẩy nhanh dịch vụ công trực tuyến mức 4

Bộ TT&TT thúc giục các bộ, tỉnh đẩy nhanh dịch vụ công trực tuyến mức 4

Bộ TT&TT cho rằng, với thực trạng hiện nay, nếu không có sự quyết tâm, vào cuộc của lãnh đạo cao nhất cơ quan nhà nước các cấp, mục tiêu 100% bộ, tỉnh cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 sẽ không thể đạt được.