Trong công điện ngày 10/9 gửi các đơn vị trong ngành TT&TT về khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi) và khẩn trương ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, Bộ TT&TT đã đề nghị các Sở TT&TT sử dụng những thành quả chuyển đổi số của địa phương mình như ứng dụng công dân số trên smartphone để thường xuyên cập nhật thông tin, hướng dẫn các kỹ năng phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội, ngay trong đêm 10/9 và sáng 11/9, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố, đội ngũ vận hành iHanoi đã cập nhật tại mục “Truyền thông, cảnh báo” của ứng dụng công dân Thủ đô số các thông tin về công tác khắc phục hậu quả bão Yagi; tình hình mưa lũ trên các sông; hướng dẫn người dân biện pháp đảm bảo nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường sau bão; phương án điều chỉnh phân luồng giao thông do ảnh hưởng bão...

Được chính thức vận hành từ ngày 28/6/2024, ứng dụng công dân Thủ đô số iHanoi đến nay đã có gần 1 triệu người dân tiếp cận và sử dụng ứng dụng.

Việc UBND thành phố cập nhật thông tin về tình hình mưa lũ sau bão Yagi cùng công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên ứng dụng iHanoi đã bổ sung thêm 1 kênh để người dân trên địa bàn thành phố có thể nắm bắt nhanh chóng thông tin, từ đó kịp thời có các hoạt động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

W-ung dung cong dan so thu do iHanoi 1.jpg
Hà Nội vừa bổ sung ứng dụng công dân Thủ đô số iHanoi vào các kênh thông tin, truyền thông tình hình mưa lũ sau bão Yagi. Ảnh: T.Hiền

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, liên tục từ trước khi bão Yagi đổ bộ vào đất liền, Sở đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai tới người dân thông qua nhiều kênh như các báo, đài trung ương, địa phương và Hà Nội, hệ thống thông tin cơ sở và các mạng xã hội.

Cụ thể, với kênh tuyên truyền trên các báo, Sở TT&TT đã liên tục cập nhật, cung cấp thông tin về chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, các bản tin cảnh báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn... qua nhóm Zalo cho phóng viên các báo trung ương và Hà Nội.

Theo thống kê, chỉ tính riêng các báo Hà Nội đã có gần 800 tin, bài thông tin, tuyên truyền về ứng phó, khắc phục hậu quả bão Yagi. Đài PT-TH Hà Nội phát sóng khoảng 518 tin bài, 2 bản tin Podcast thông tin về cơn bão số 3 trên các kênh phát thanh, truyền hình, trên các nền tảng số của đài.

Với kênh mạng xã hội, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho hay, để cảnh báo kịp thời đến người dân trên địa bàn Thủ đô về tình hình mưa bão, thời gian qua, Sở đã chủ động đăng tải 7 bản tin với 40 tin, bài tới hơn 3.500.000 tài khoản người dùng Zalo qua tài khoản OA “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội”; đăng 40 tin, bài lên tài khoản “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội” trên mạng xã hội Lotus.

mua lu tren cac song dia ban Ha Noi.jpg
Tình hình mưa lũ sau bão Yagi trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa: Sở TT&TT Hà Nội

Bên cạnh đó, Sở TT&TT Hà Nội cũng đã phối hợp các doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp để lan tỏa thông tin và các trang Fanpage, Tiktok có lượng người đọc, với thống kê sơ bộ là hơn 110 tin, bài liên quan đến tình hình mưa bão.

Nội dung thông tin tập trung vào hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố ứng phó với bão Yagi; hướng dẫn, cảnh báo người dân các các kỹ năng ứng phó trong cơn bão; thông tin đến người dân đảm bảo cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu…

“Đặc biệt, Sở TT&TT đã thực hiện gửi 2 bản tin thông báo khẩn cấp, cảnh báo, hướng dẫn người dân phòng chống bão lũ và 01 khuyến cáo của Chủ tịch UBND thành phố về việc người dân không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người tới hơn 24 triệu tài khoản người dùng Zalo trên địa bàn Thủ đô”, đại diện Sở TT&TT Hà Nội thông tin thêm.

Ngoài ra, trong 2 ngày 6 - 7/9, thời gian bão Yagi vào đất liền, thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp với Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động trên địa bàn thành phố tổ chức nhắn tin tới các thuê bao điện thoại di động có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão.

Chia sẻ về nhiệm vụ cấp bách thời gian tới, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho hay, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả sau bão để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, Sở cũng sẽ tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai tới người dân qua nhiều kênh.