Mỗi buổi chiều tại công viên Thống Nhất, thuộc địa phận 2 phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), không khó để bắt gặp đủ các loại chó được người dân dắt ra “đi dạo”.

Điều đáng nói, những chú chó này hầu hết không đeo rọ mõm và được thả rông, chạy khắp công viên, tiềm ẩn nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và người dân tập thể dục.

Thậm chí, nhiều người còn vô tư để thú cưng phóng uế ra công viên gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến cảnh quan.

Trên địa bàn TP Hà Nội, nơi chó thả rông phổ biến nhất là những địa điểm công cộng như vườn hoa, công viên...

Chị Nguyễn Thị Thanh (quận Hai Bà Trưng) thường xuyên ra công viên Thống Nhất tập thể dục vào mỗi buổi chiều nên không còn xa lạ với cảnh người dân dắt chó vào đây rồi để chạy khắp nơi, phóng uế.

“Mỗi ngày phải có vài chục chú chó được người dân dắt ra đây, đa phần khi đến nơi chủ thường tháo xích để cho chạy tự do. Nhiều con chó to hung dữ khiến tôi rất sợ. Nhưng vì ở đây rộng, phù hợp với việc chạy thể dục nên tôi đành chấp nhận, dù nhiều lúc rất ức chế”, chị Thanh bày tỏ.

Công viên được cắm nhiều tấm biển cấm dắt chó nhưng xem ra cũng không có tác dụng.
Tại đây những chú chó thản nhiên chơi đùa, không có chủ đi cùng.
Những chú chó được chạy quanh công viên và xuống hồ để tắm, không có rọ mõm.

Ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty công viên Thống Nhất cho biết, việc người dân thả chó không rọ mõm, phóng uế ra công viên là vấn đề nhức nhối lâu nay nhưng chưa giải quyết được vì công viên không có thẩm quyền, chế tài xử phạt.

"Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền về việc thả chó không rọ mõm sẽ gây nguy hiểm cho người xung quanh. Ngoài ra, cần phải giữ gìn cảnh quan, môi trường bên trong công viên, nhưng vẫn có nhiều người bỏ qua hoặc cố tình vi phạm", ông Tú thông tin

 Theo ông Tú, sắp tới sẽ có 2 đội bắt chó của quận Hai Bà Trưng đi tuần tra trong công viên.

Đa số chó được mang vào công viên Thống Nhất đều không có rọ mõm.
Một chú chó khá to, không rọ mõm, đi lang thang trong công viên
Hầu hết chủ vật nuôi đều chủ quan cho rằng, chó nhà mình hiền, ít có khả năng gây nguy hiểm cho những người xung quanh nên không cần rọ mõm hoặc đeo xích mà thả rông.
Một số người cũng quàng theo sợi dây để quản lý thú cưng
Tại công viên Thống Nhất có rất nhiều trẻ em đến chơi, nhưng hầu hết các con chó được chủ dắt đến đều không rọ mõm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
 Không thể lường được hậu quả sẽ thế nào nếu những con chó thả rông bất ngờ trở nên hung dữ.
Nhiều chú cho trông khá dữ được người dân mang ra công viên Thống Nhất.

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 400-500 nghìn người bị chó mèo cắn và phải tốn 300 tỷ đồng để điều trị dự phòng vắc xin dại. Luật đã quy định phạt người mang chó thả rông, nhưng việc thực thi đến nay vẫn không đầy đủ. Chủ chó thường chỉ bị phạt khi tình huống cắn người nghiêm trọng.

Hà Nội triển khai gần 600 đội bắt chó thả rông ra sao?

Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, thành phố đã và đang triển khai thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã và sẽ do đơn vị trực tiếp tham mưu.

Đội bắt chó thả rông chỉ là một trong các yếu tố để đảm bảo vùng an toàn, không còn bệnh dại. Mục tiêu của đội còn là tuyên truyền đến chủ nuôi chó, mèo các quy định của pháp luật, phát hiện, xử phạt chủ nuôi không xích, rọ mõm chó ở nơi công cộng, ngăn chặn chó dữ tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng...

Hiện Hà Nội đã xây dựng 8 quận được công nhận vùng an toàn bệnh dại gồm: Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm… Một trong những nội dung quan trọng để có được vùng an toàn bệnh dại đó là quản lý chó thả rông. Hiện tại các quận đã tập trung chỉ đạo các phường thành lập các tổ bắt giữ chó thả rông đi vào hoạt động.

Chi cục Thú Y Hà Nội cũng tuyên truyền người dân không nên nuôi các loài chó to, giống chó dữ, nhất là gia đình có người già, trẻ nhỏ, tùy điều kiện khuôn viên trong gia đình để nuôi các giống chó cho phù hợp. 

Hà Nội phấn đấu xây dựng 12 quận được công nhận vùng an toàn bệnh dại trước năm 2025. Làm tốt khâu tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, càng địa bàn thủ đô càng phải có ý thức trách nhiệm cao hơn.