Ông Đ.V.V. (68 tuổi, trú tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cấp cứu sau tai nạn sinh hoạt.

Trước đó một giờ, ông V. bị ngã và có vết thương vùng cằm chảy máu nhiều. Gia đình không xử trí sơ cứu và vội vàng đưa vào bệnh viện.

Tại bệnh viện, người bệnh được xác định có vết thương hở vùng cằm kích thước 60x30mm, sâu sát xương, vận động hạn chế vùng hàm và gãy xương hàm phức tạp. 

Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật khẩn cấp kết hợp xử trí gãy xương hàm dưới. Sau mổ, nam bệnh nhân phục hồi tốt, được chăm sóc chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Theo bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, gãy xương hàm dưới là tổn thương thường gặp nhất trong các chấn thương xương hàm mặt. Xương hàm thuộc vùng đầu mặt, có liên quan đến nhiều dây thần kinh, mạch máu và đường thở nên khi gãy có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính nguy hiểm và di chứng lâu dài như như chảy máu khó cầm, tắc nghẽn đường thở, choáng do đau, chấn thương sọ não, biến dạng khuôn mặt, liệt mặt…

Vì vậy, người dân cần thận trọng trong sinh hoạt hằng ngày để tránh những tai nạn đáng tiếc. Khi gặp nạn, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh để lại những di chứng nặng nề.

Cách sơ cứu vết thương hở, chảy máu nhiều:

- Nhanh chóng cầm máu bằng cách dùng một miếng vải sạch, gấp thành nhiều lớp ép vuông góc với vết cắt. Giữ tối thiểu 15 phút hoặc cho tới khi cầm máu. Nếu tiếp tục chảy máu băng ép 1 lớp vải quanh vết thương, tạo áp lực đè ép làm máu ngưng chảy.

- Vết thương động mạch cần dùng một ngón trỏ hoặc tay cái ấn chặt vào vị trí đường đi của động mạch, nâng cao chi để chỗ chảy máu cao hơn tim.

- Nếu có dị vật hay chất bẩn cần nhẹ nhàng lấy ra bằng kẹp hoặc nhíp hay gạc vô trùng.

- Người sơ cứu đảm bảo đeo găng để tránh nhiễm trùng.