Ông T.T.T. (79 tuổi trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) vào viện cấp cứu đột quỵ khi đã qua 48 giờ. Theo người nhà, hai ngày trước, ông xuất hiện triệu chứng đau đầu, choáng váng, tê bì tay chân, méo miệng nhưng không đến bệnh viện khám. Đến sáng 6/8, người quen trong xóm đến chơi nhận thấy dấu hiệu bất thường nên khuyên gia đình cho bệnh nhân đi viện.
Tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI), kết quả cho thấy ông bị nhồi máu não cấp đa ổ.
Trường hợp khác là nữ bệnh nhân 94 tuổi (trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) vào viện khi qua "giờ vàng" cấp cứu đột quỵ. Chiều 5/8, bệnh nhân có biểu hiện giao tiếp chậm, yếu nửa người trái. Sáng 6/8, gia đình đưa bệnh nhân đi khám, kết quả chụp MRI cho thấy tình trạng nhồi máu não diện rộng bán cầu phải tương ứng vùng cấp máu động mạch não giữa.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Duy Long - Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê - cho biết thời gian vàng cấp cứu đột quỵ được tính trong khoảng 3-4,5 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đầu tiên như nói ngọng, khó nói, yếu liệt chi, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng. Nếu được can thiệp kịp thời trong giai đoạn này, các tế bào não sẽ phục hồi tốt, hầu như không để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân cấp cứu chậm 1 phút sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não bị tổn thương vĩnh viễn.
Theo bác sĩ Long, người dân cho rằng đột quỵ não xảy ra khi cơ thể xuất hiện rầm rộ các triệu chứng như ngã, liệt, nói ngọng, thậm chí hôn mê... nên những biểu hiện diễn ra từ từ và kín đáo dễ bị bỏ qua.
Vị bác sĩ khuyến cáo khi xuất hiện triệu chứng mất thăng bằng, đau đầu, chóng mặt, đột ngột nhìn mờ, miệng méo, yếu tay chân, nói ngọng hoặc không nói được, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, không nên cạo gió hay sơ cứu bằng thuốc tại nhà.
Cách sơ cứu người bệnh đột quỵ của Trung tâm Đột qụy Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội):