Mới đây, anh Đ.V.T (37 tuổi, trú tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đang tham gia liên hoan cùng bạn bè thì đột ngột mất nhận thức, cơ thể tím tái và rơi vào hôn mê sâu.

Người thân đã đưa anh T. đến Trung tâm y tế huyện Tam Đảo cấp cứu. Tại đây, nam bệnh nhân xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn lần 1 và được các bác sĩ của trung tâm y tế nhanh chóng cấp cứu. Sau 5 phút, người bệnh có mạch trở lại và chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh vĩnh Phúc.

hon me sau.png
Nam bệnh nhân được bác sĩ thăm khám. Ảnh: BVCC.

Khi vào Khoa Cấp cứu, anh T. tiếp tục ngừng tuần hoàn lần 2. Ê-kíp nhanh chóng ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân, sau 20 phút, người đàn ông bắt đầu có nhịp thở.

Kết quả chiếu chụp và các xét nghiệm xác định người bệnh bị tràn khí màng phổi 2 bên và xuất hiện tình trạng toan chuyển hóa nặng. Nam bệnh nhân được chuyển tới Khoa Hồi sức tích cực tiến hành thực hiện kỹ thuật mở màng phổi 2 bên, lọc máu liên tục và đặt ống nội khí quản để đào thải rối loạn chuyển hóa.

Sau 24 giờ, anh T. đã ổn định hơn và có nhận thức trở lại. Sau 6 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh táo, thở tốt, huyết áp bình thường, hết tình trạng toan chuyển hóa, không còn khí màng phổi 2 bên. Bởi vậy, anh được cai máy thở, rút ống nội khí quản, ống dẫn lưu màng phổi và được chuyển Khoa Nội tổng hợp để tiếp tục điều trị.

Hiện tại, bệnh nhân có thể giao tiếp bình thường, ăn uống đường miệng, vận động tốt, không để lại di chứng đáng kể nào và được xuất viện.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo để phòng ngừa những trường hợp ngừng tuần hoàn ngoại viện, người dân cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người có tiền sử tim mạch, huyết áp, phổi, đái tháo đường.

Nếu thấy người nhà hay người xung quanh đột ngột mất ý thức và ngừng thở, cần ép tim ngoài lồng ngực ngay tại chỗ kết hợp hà hơi thổi ngạt đúng cách, nhanh chóng gọi cấp cứu đến hỗ trợ và tiến hành đưa người bệnh vào cơ sở y tế gần nhất.

xu tri cấp cứu.png
Hướng dẫn cấp cứu ngừng tuần hoàn. Nguồn: Sở Y tế Phú Thọ.