Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng nôn trớ, hôn mê, suy hô hấp do ngộ độc khí CO (Carbon monoxide). 

Vụ việc xảy ra vào đầu tháng 8 khi các bệnh nhân đang làm việc trong căn bếp khoảng 25-30m2, không phát hiện có mùi bất thường. Đến 9h, một người bị ngất, sau đó 2 người cùng xuất hiện triệu chứng mệt, khó thở nên được đưa đi cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy một bệnh nhân có nồng độ CO trong máu rất cao, HbCO lên tới hơn 30% trong khi chỉ số bình thường là dưới 1%.

tải xuống (1).jpg
Nữ bệnh nhân đang được các bác sĩ theo dõi tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay nguyên nhân khiến các bệnh nhân bị ngộ độc có thể do thiết bị đun nấu đốt khí gas nhưng cháy không hoàn toàn nên tạo ra khí CO. Đáng chú ý, căn bếp mới lắp đặt, các thiết bị đều mới và đang trong giai đoạn ngày đầu chạy thử. 

Theo vị chuyên gia này, CO là chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng đường hô hấp nên khó nhận biết được trong không khí. Chất này hấp thu nhanh vào cơ thể gây ngộ độc, trường hợp nhẹ sẽ xuất hiện tình trạng buồn nôn, đau đầu, dễ tưởng nhầm là cảm cúm hay ngộ độc thức ăn. Bệnh nhân ngộ độc nặng có thể bất tỉnh và thậm chí tử vong. 

Bác sĩ Nguyên thông tin thêm 50% bệnh nhân bị nhiễm độc khí CO dù nhẹ, sau khi được điều trị vẫn còn các di chứng về tâm thần, thần kinh, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ. Khoảng 30% người bị ngộ độc nặng ban đầu có tổn thương tim mạch sẽ tử vong trong vòng 8 năm sau do biến chứng loạn nhịp tim. Vì vậy, bệnh nhân ngộ độc khí CO cần được điều trị tích cực ngay từ ban đầu.

Đặc biệt, ngộ độc khí CO luôn hiện hữu hằng ngày, do đó, người dân cần lưu ý khi sử máy móc, thiết bị sử dụng nhiên liệu là xăng dầu, khí gas. Các khu bếp nhà hàng cần lắp đặt thiết bị theo dõi và báo động nồng độ khí CO, khí gas.