Từ nhiều năm nay, ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí đã trở thành vấn nạn đe dọa sức khỏe, tính mạng của cộng đồng, nhất là người dân ở các thành phố lớn. Trong cuộc họp của Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ ngành cùng lãnh đạo chính quyền và các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh bàn giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà Bộ cũng phải thừa nhận: “ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ năm 2017 trở lại đây gia tăng khiến người dân lo lắng”.

Ông Lê Tuấn Định, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đưa ra thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội gánh chịu 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài, trung bình mỗi đợt kéo dài từ 5- 10 ngày; chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu duy trì dài ngày. Trong đó, đợt ô nhiễm cao điểm nhất là đầu tháng 12 năm 2019, đặc biệt từ ngày 8 - 14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu.

Với tình trạng ô nhiễm không khí như vậy, cung bậc cảm xúc của người dân Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không phải là lo lắng mà vô cùng hoang mang khi các bản thông báo ô nhiễm không khí của VTV1 thông báo nhiều trạm quan trắc phủ màu tím, chỉ số AQI vượt trên 200, tương đương mức rất xấu. Cá biệt, nhiều điểm đã chạm mốc nâu, đơn cử trong ngày 13/11/2019, chỉ số AQI tại Tây Hồ lên tới 405, trước đó ngày 12/10/2019, trạm đo tại Đại sứ quán Pháp ở Hoàn Kiếm báo chỉ số AQI ở mức 336. Trong nhiều tuần, Tổ chức Đo chất lượng không khí quốc tế (Air Visual) xếp Hà Nội là một trong những thành phố đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí. Trong đó ngày 13/12/2019, Hà Nội đứng đầu bảng trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI ở mức nâu 316.

{keywords}
Người dân phải hít bụi mịn đến bao giờ?

Theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, chất lượng không khí (AQI) chia làm 5 cấp độ, AQI từ 0 - 100, chất lượng không khí tốt và chấp nhận được; từ 101 - 200, chất lượng không khí kém; từ 201 - 300 là thang màu tím, thuộc nhóm rất ô nhiễm, trên 300 là thang màu nâu, ngưỡng nguy hại, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

Khi nói đến ô nhiễm không khí, thì bụi mịn PM2,5 (gồm những hạt siêu nhỏ bay lơ lửng trong không trung) là thủ phạm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Đường kính của bụi mịn chỉ bằng 1/30 đường kính sợi tóc.

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, giảng viên về chuyên ngành sức khỏe môi trường, trường Đại học Y tế công cộng giải thích: Bụi PM2,5 được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khoẻ con người. Vì có kích thước rất nhỏ, nên bụi PM2,5 rất nguy hiểm, có thể lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu.

Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tuỳ vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Do đó nếu nồng độ bụi PM2,5 trong không khí càng cao thì mức phơi nhiễm hàng càng lớn và tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khoẻ cấp tính và mãn tính.

Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới cho thấy phơi nhiễm với bụi PM2,5 tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Ví dụ phơi nhiễm với bụi PM2,5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường, ung thư phổi.

Theo nghiên cứu của GS Christopher J L Murray (Đại học Washington, Hoa Kỳ) và các cộng sự đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2016, ô nhiễm không khí (trong đó có ô nhiễm bụi PM2,5) là nguyên nhân của 7 triệu ca tử vong hàng năm trên thế giới. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% ca tử vong do đột quỵ và 23% ca tử vong do ung thư. Những nguyên nhân chính gây tử vong do ô nhiễm không khí là đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và các bệnh nhiễm trùng hô hấp.

Cũng như ô nhiêm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí đã xảy ra và được cảnh báo từ lâu, hậu quả đối với sức khỏe của cả cộng đồng cũng được nhiều nhà chuyên môn cảnh báo bằng các công trình nghiên cứu khoa học nhưng ở nước ta các cấp, các ngành phản ứng rất chậm chạp.

Sau nhiều lần Hà Nội được xếp vào nhóm các thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới, mãi ngày đến 18/12/2019, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung mới chủ trì cuộc họp đôn đốc các sở ngành, quận, huyện về công tác bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm bụi trên địa bàn.

Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường trong cả năm 2019, theo ghi nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng, dường như phản ứng duy nhất qua việc quan trắc, công bố kết quả, đưa ra khuyến cáo phòng tránh ô nhiễm không khí, tuyệt nhiên không thấy nói gì đến giải pháp ngăn chặn, kiểm soát chất lượng không khí ở các đô thị lớn.

Mãi đến ngày 19/12/2019, Bộ mới tổ chức họp với các bộ ngành cùng lãnh đạo chính quyền và các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh bàn giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí.

Khi kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói Hội nghị đã "phân tích các nguyên nhân nhưng nói nguyên nhân nào là chính thì hội nghị hôm nay chưa làm được".   

Còn giải pháp mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất: “Chúng ta có trách nhiệm tập trung nguồn lực, đặc biệt trong giai đoạn nhạy cảm của thời tiết khí hậu hiện nay. Không được tiết kiệm, bằng mọi phương pháp để duy trì hoạt động trạm quan trắc tự động, đảm bảo quan trắc đủ số lượng điểm, để đưa ra chính xác chất lượng môi trường không khí, cung cấp hằng ngày, mỗi ngày 2 lần sáng chiều cho người dân biết. Nếu tình trạng, chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn, nguy hại đến sức khỏe, phải khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp của Bộ Y tế đã đưa ra”.

Không biết người dân Thủ đô và người dân các thành phố lớn phải hít thở bụi mịn đến bao đến bao giờ?

Nguyễn Huy Viện