Đây là lần thứ hai nhà sản xuất iPhone phát cảnh báo khẩn trong vài tháng qua. Hồi tháng 4, Apple cũng đã gửi cảnh báo về phần mềm gián điệp đến người dùng iPhone tại 92 nước rằng họ là mục tiêu của các vụ tấn công.

Apple không cung cấp nhiều thông tin về các vụ tấn công mới nhất và chưa rõ quốc gia nào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo TechCrunch, một số người dùng iPhone tại Ấn Độ đã nhận được thông báo mới.

“Apple phát hiện bạn là mục tiêu của một cuộc tấn công phần mềm gián điệp đang cố gắng xâm phạm từ xa iPhone gắn với Apple ID của bạn”, cảnh báo viết.

io4z96xs.png
Một ví dụ về cảnh báo bảo mật được Apple gửi đến người dùng là mục tiêu của cuộc tấn công bằng phần mềm gián điệp. Ảnh: X

Kẻ xấu đang tăng cường sử dụng phần mềm gián điệp nhằm vào iPhone. Phần mềm Pegasus của công ty NSO Group nằm trong số những cái tên khét tiếng nhất. Apple đã đâm đơn kiện NSO Group vì Pegasus vào năm 2021 và cho rằng chương trình được dùng để “tấn công số lượng nhỏ người dùng Apple toàn cầu bằng mã độc và phần mềm gián điệp”.

Hồi tháng 4, các nhà nghiên cứu của BlackBerry tiết lộ chiến dịch có tên LightSpy đã quay trở lại. Họ nhận xét LightSpy “đặc biệt nguy hiểm” vì cho phép kẻ tấn công xác định vị trí mục tiêu với “độ chính xác gần như hoàn hảo”.

Theo Forbes, phần mềm gián điệp nguy hiểm vì chúng giúp kẻ tấn công truy cập hoàn toàn vào iPhone, bao gồm cả tin nhắn mã hóa trong WhatsApp và Signal cũng như âm thanh, hình ảnh lưu trên máy.

Dù vậy, Apple cho biết, chế độ Lockdown sẽ ngăn chặn hoàn toàn phần mềm gián điệp, dù nó ảnh hưởng đến chức năng của iPhone. Một số dấu hiệu đáng ngờ mà bạn nên chú ý bao gồm iPhone chạy chậm bất thường hay các ứng dụng bạn không cài đặt bỗng xuất hiện.

Theo các chuyên gia, nếu nghi ngờ iPhone bị cài phần mềm gián điệp, điều tốt nhất có thể làm là không dùng thiết bị đó nữa. Trong khi đó, vài tổ chức – bao gồm Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ - khuyến nghị bật tắt iPhone để tạm thời vô hiệu hóa phần mềm gián điệp.

Một điều quan trọng là không phải ai cũng bị phần mềm gián điệp nhằm vào, vì vậy, người dùng iPhone bình thường không nên quá hoảng loạn. Song, nếu là nhà báo hoặc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị nhắm mục tiêu, bạn nên thực hiện thêm các bước phòng vệ.

Suzan Sakarya, Giám đốc cấp cao tại hãng bảo mật Jamf, nhận xét: “Dựa trên thông báo của Apple, chiến dịch phần mềm gián điệp này là một cuộc tấn công khác nhằm vào những cá nhân có giá trị liên lạc cao”.

Sean Wright, Giám đốc an toàn ứng dụng tại hãng Featurespace, cũng đồng tình với ý kiến này. Dù vậy, ông vẫn khuyên người dùng bình thường cảnh giác, thường xuyên cập nhật hệ điều hành, cẩn trọng với các ứng dụng cài đặt và chú ý đến những cuộc tấn công lừa đảo.

Theo website Apple, công ty bắt đầu phát hành các cảnh báo khẩn cấp như trên kể từ năm 2021 và đã tiếp cận hơn 150 quốc gia. Cảnh báo sẽ được gửi trực tiếp đến những người dùng là mục tiêu của các cuộc tấn công.

Để cập nhật phiên bản mới nhất của hệ điều hành iPhone, vào Cài đặt > Cài đặt chung > Cập nhật phần mềm rồi tải về và cài đặt theo hướng dẫn.

(Theo Forbes, ReadWrite)