XEM CLIP: Ông Trần Lưu Quang hát bài "Tôi, người Hải Phòng"

Trong cuộc gặp gỡ với đồng hương người Hải Phòng tại Hà Nội mới đây, ông Trần Lưu Quang (nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM) kể một vài câu chuyện thú vị của những ngày ông vừa về thành phố Cảng nhận công tác. 

Câu chuyện thứ nhất có lẽ là một ví dụ chính thay cho việc "giải mã" tính cách người Hải Phòng quen "ăn sóng nói gió" và có chút ngang tàng nhưng chân tình... - Bí thư Hải Phòng chân tình bộc bạch thay cho báo cáo đã chuẩn bị trước.

“Ngày 4/5/2021, tôi về làm Bí thư Thành  ủy Hải Phòng. Ngay sáng sớm hôm sau, tôi đi tập thể dục ở công viên Hoàng Văn Thụ. Khoảng 5h30, khi mặt trời lên sớm thì tôi về nhà công vụ. Lúc này, trước khu nhà có vài bạn thanh niên khoảng tuổi ngoài đôi mươi đứng, người thì cởi trần, người mặc áo 3 lỗ, xăm trổ đầy mình.

- Chào bác, bác là Bí thư mới à? Chào mừng bác đã tới Hải Phòng!

Tôi dừng lại nói chuyện với các em, hỏi chuyện về thời tiết, công ăn việc làm. Độ chừng vài phút sau tôi mới hỏi:

- Mấy chú nè, ở đây tôi nghe nói cánh giang hồ Hải Phòng dữ lắm, an ninh trật tự như thế nào? 

- Ui giời, bác yên tâm đi. Ai mà dám đụng đến bác, cháu đâm ngay.

Chỉ một câu nói đùa nhưng phần nào nói lên tính cách người Hải Phòng: rất thẳng thắn, quyết liệt, có một chút ngang tàng”.

Người Hải Phòng không lòng vòng 

Câu chuyện thứ hai diễn ra ở Phần Lan: 

“Vừa rồi, tôi tham gia một đoàn công tác đi một số nước châu Âu.

Hôm đó, tôi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan, nơi tổ chức tiệc buffet cho đoàn công tác cùng giao lưu với bà con kiều bào. 

Sau khi ăn uống rất vui vẻ, trước khi ra về thì có một người lại vỗ vai tôi rồi giới thiệu mình là người Hải Phòng. Anh kể: Tôi sang đây 12 năm rồi, sáng nào cũng dậy xem tivi trong nước và đọc báo điện tử Hải Phòng. Nhưng cách đây 12 ngày, tôi thấy đồng chí Bí thư có nói một điều không đúng, bởi vì chỗ đó lại là nhà tôi, là quê tôi, nó phải thế này này...

Tôi đi nửa vòng trái đất mà vẫn bị người Hải Phòng 'soi' như thế đó!  

Ông Trần Lưu Quang nói chuyện với hội viên câu lạc bộ Bạch Đằng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng

Từ đó, tôi có thể nói rằng người Hải Phòng, dù là ai, ở đâu cũng đều rất quan tâm đến chính trị. Điều này tác động tích cực đến anh em chúng tôi, một khi mà Thành uỷ và UBND TP có làm những điều tác động tới bà con thì bà con sẽ quan tâm đến chính trị, đến chính quyền và sẽ yêu đồng chí Bí thư”.

Câu chuyện thứ 3 xoay quanh công tác phòng chống dịch của Hải Phòng. Nó cũng mang đôi chút tính cách của người Hải Phòng: hào phóng, chân tình. 

“Tôi đi công tác Hà Nội. 10 rưỡi đêm thì tới ranh giới địa phận Hải Dương - Hải Phòng. Xe công vụ của tôi anh em Hải Phòng đều biết nên cứ thấy xe là các anh đã chào. 

- Chào đồng chí Bí thư Thành uỷ! Mời đồng chí xuống khai báo y tế.

Cách làm mới, nhìn từ nhân sự Bí thư Hải PhòngCách làm mới, nhìn từ nhân sự Bí thư Hải PhòngXem ngay

Nói thật với mọi người là hôm đó tôi rất mệt do đi nhiều. Tôi có nói với đồng chí công an mang quân hàm thiếu tá đó rằng anh đang rất mệt, vậy em cho phép anh để đồng chí lái xe xuống khai báo giúp anh được không? Sau khoảng 5 giây suy nghĩ, đồng chí đó nói “Giải quyết đặc biệt cho đồng chí Bí thư!’’.

Có như vậy mới thấy mức độ gay gắt của Hải Phòng trong công tác phòng chống dịch. 

Tháng 8/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM - nơi có cả ngàn người dân Hải Phòng sinh sống, chúng tôi thống nhất hỗ trợ mỗi gia đình người Hải Phòng đang ở TP.HCM 2 triệu đồng/hộ bằng hình thức chuyển khoản, theo danh sách của Hội đồng hương Hải Phòng cung cấp.

Có người lo lắng không biết chuyển khoản có đến được tay người Hải Phòng không, hay lại rơi rớt đến 1 ông Thái Bình,1 ông Nam Định nào đó thì sao. Tôi nói, dù là ông Thái Bình hay ông Nam Định thì cũng là máu chảy ruột mềm. Và sau khi gửi chuyển khoản lần 1 thành công, chúng tôi làm tiếp lần 2 là 2 triệu đồng/người. 

Số tiền này không lớn nhưng có lẽ là sự động viên chia sẻ kịp thời tới người dân đang ở xa quê nhà”.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng thăm các cháu nhi đồng nhân ngày 1/6 năm nay. Ảnh: Lê Tân

Kể những câu chuyện trên, Bí thư Trần Lưu Quang cũng dành thời gian để nói về thực trạng kinh tế xã hội của Hải Phòng và mục tiêu muốn định vị nó sao cho đúng nhất.

Điều đó cho thấy rất rõ khát vọng của người đứng đầu thành phố dù ông mới về nhận nhiệm vụ tròn 1 năm - đủ để hiểu tính cách “người Hải Phòng không nói lòng vòng". Muốn được dân tin, dân yêu thì phải cống hiến, phải dấn thân vì người dân nơi đây thật nhiều. Phía sau người đứng đầu thành phố ấy là cả tập thể đảng bộ và chính quyền thành phố luôn đoàn kết gắn bó và đầy khát vọng.

Bí thư Trần Lưu Quang hát tặng đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Mạnh 

Kết thúc buổi nói chuyện hôm đó, thật bất ngờ với chúng tôi, Bí thư Trần Lưu Quang cầm cây đàn ghita chơi say sưa khi cất lời hát bài "Tôi, người Hải Phòng". Ông bật mí rằng, ngay ngày mới về đất Cảng, ông đã say sưa tập. Chỉ cần vậy là tôi đủ hiểu ông đã trở thành người con của Hải Phòng - thành phố của những người dân chân chất, năng động, luôn khát khao ủng hộ cái mới.

Trong nghiên cứu "Hải Phòng - khởi thuỷ, điều kiện và thể thức phát triển cho đến năm 1921", TS Gilles Raffi (Pháp) nhận xét: Người Hải Phòng tỏ ra kiêu hãnh vì đã xây dựng được một thành phố châu Âu trên vùng đất sình lầy. Họ tin rằng họ thuộc về một xã hội mà không một xã hội nào tại Đông Dương có thể so sánh được. 

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử: Hải Phòng vốn là mảnh đất đồng chua nước mặn, dân sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt thuỷ hải sản. Sau đó, nhờ có thương cảng mở ra mà người dân được tiếp xúc sớm với nền văn minh phương Tây cũng như các nước khác… Hải Phòng là một cửa biển lớn của đất nước, vì thế đã tạo nên một cốt cách người dân quen "ăn sóng nói gió", một chút "ngang tàng", "hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu"...

Quốc Phong