Nếu như trong bộ máy đã có sẵn người tài, thì chúng ta vẫn phải làm cách nào tối ưu nhất  để tìm được họ ngay trong thời điểm này, khuyến khích họ tham chính. Chứ không phải chỉ đưa họ vào để ngồi gọi là cho đủ mâm. 

>> Phần 1: Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Lần duy nhất tôi được ưu tiên...

>> Phần 2: Có những 'ghế' bộ trưởng là sân riêng của chị em?

Trong phần tiếp theo  cuộc Tọa đàm Phụ nữ tham chính,  bà Tôn Nữ Thị Ninh và bà Đỗ Thùy Dương tiếp tục lý giải về những hạn chế của việc phụ nữ tiếp tục tham gia chính trường cho đủ “thành phần”. 

Những giọng ca nổi bật 

Hoàng Hường: Ở những quốc gia bảo thủ như các nước Trung Đông hay khó khăn như ở Châu Phi, các phong trào nữ quyền tương đối rộng khắp. Phụ nữ đã chứng minh khi họ tham gia chính trường thì một số vấn đề về an ninh và giáo dục được cải thiện vì họ hiểu và có những đề xuất chính sách phù hợp. Nhìn vào thực tế ở Việt Nam, những người phụ nữ  tham chính đã tạo ra dấu ấn nào chưa, chẳng hạn trong QH? 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Số đông trong QH thì chưa. Nhưng cũng có những “giọng ca” rất là nổi bật, tôi lấy ví dụ như là bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp, hay là bà Bùi Thị An ở đoàn Hà Nội. Chí ít hai trường hợp đó đúng là thể hiện chất lượng được bầu. Tỷ lệ về số lượng cũng quan trọng nhưng  phải đẩy mạnh hơn về chất lượng mới được. 

Thời tôi còn ở QH, tôi có nêu đề nghị là tại sao phụ nữ không có nhóm ĐBQH nữ, để chị em có thể đến với nhau thảo luận, chia sẻ thông tin kinh nghiệm. Lúc đó bà Hoài Thu là Phó chủ nhiệm của UB Các vấn đề xã hội nói “món này mới mẻ quá, có khi các anh lại ngại”. Tại vì mình chưa quen cái chuyện tập hợp trong một cơ cấu chính trị theo giới chẳng hạn. Tôi rất mừng là giờ đã lập được nhóm nữ nghị sĩ.  

Tôn Nữ Thị Ninh từng là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của VN tại Liên minh Châu Âu, các quốc gia như là Bỉ, Luxembourg. Bà cũng là Phó chủ nhiệm UB đối ngoại quốc hội Việt Nam và là uỷ viên BCH Trung ương Hội phụ nữ VN. Bà Đỗ Thuỳ Dương là CEO của Talentpool, chuyên gia tư vấn và đào tạo lãnh đạo nữ.  

Hoàng Hường: Nhắc đến Hội phụ nữ người ta nói tới các hoạt động như tác động giải quyết vấn đề hôn nhân, bạo hành gia đình, phụ nữ làm kinh tế… những việc làm nhằm nâng cao đời sống và sự tiến bộ của phụ nữ. Song nếu đặt mục tiêu nâng cao vị thế và tiếng nói của phụ nữ trong chính trường thì Hội liên hiệp phụ nữ VN có lẽ là chưa tạo được tiếng nói cần thiết. Bà Ninh nghĩ sao? 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Vai trò lịch sử của Hội liên hiệp phụ nữ VN không ai có thể phủ nhận. Với tư cách là một tổ chức có mạng lưới toàn quốc và đến cơ sở thì đây là một tổ chức rất mạnh. Tôi từng đưa bà Tổng giám đốc của Quỹ nhi đồng LHQ, UNICEF đi xem một dự án tín dụng nhóm cho phụ nữ nghèo. Bà vô cùng ấn tượng và bà cho rằng vai trò của Hội rất xuất sắc. 

Có thể nói Hội liên hiệp phụ nữ VN đã có lợi thế và phát huy thế mạnh trong hoạt động kinh tế xã hội ở cơ sở. Điều khiến  chúng ta phải phân vân là khi đất nước hoà bình, đổi mới, hiện đại hoá… đáng lẽ hội cần phải xem xét vai trò làm đầu tàu trong vấn đề thúc đẩy phụ nữ VN tham chính.  Hội phụ nữ có tham gia họp hành đóng góp chỗ này chỗ kia, nhưng tôi cũng có cảm giác chủ quan là chưa tạo được hay chưa được nhận một vị thế đầy đủ. Tiếng nói chưa được rõ nét. Có thể cách làm của các chị hơi kín đáo quá nên xã hội không biết! 

{keywords}

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: "Có những chị em suốt một khoá tham gia QH, rồi thì họ cũng phát biểu, nhưng họ làm như một nghĩa vụ hành chính"

Hoàng Hường: Quay trở lại câu chuyện chất lượng tham gia của phụ nữ trong hoạt động chính trường. Tôi quan sát trong các ĐBQH cũng có nhiều nữ bác sĩ, nữ giáo viên, rồi đủ ngành nghề, nhưng có người quanh năm chỉ tham gia họp chứ không thấy phát biểu lời nào. Có phải họ chỉ xuất hiện cho đủ thành phần? 

Bà Đỗ Thùy Dương: Có lẽ chúng ta mặc cho họ một cái áo quá rộng. Cô Ninh có nói đến câu chuyện là chúng ta đi tìm người tài, nếu được như vậy thì quá tốt; nhưng nếu như trong bộ máy đã có sẵn rồi, thì chúng ta vẫn phải làm cách nào tối ưu nhất  để tìm được họ ngay trong thời điểm này, khuyến khích họ tham chính. Chứ không phải chỉ đưa họ vào để ngồi gọi là cho đủ mâm. 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Theo quan sát của tôi,  cũng có những chị em suốt một khoá tham gia QH, rồi thì họ cũng phát biểu, nhưng họ làm như một nghĩa vụ hành chính, chứ không phải họ có cái để nói. Theo một nghĩa nào đó thì phải khuyến khích chị em động tâm động não một chút, chứ không phải chỉ là vấn đề tự tin. Khi  ngồi đó họ có thực sự nghĩ đến những chuyện của đất nước đang được bàn đến hay không, đó mới là mấu chốt. Nếu không thì chỉ  phát biểu như là để trả nợ thôi. 

Hoàng Hường: Truyền thông hai năm trước đưa khá đậm đặc chân dung một số bóng hồng trong chính trường. Nữ ĐBQH đó chắc là xinh đẹp quá cho nên mọi người chỉ quan tâm đến hình thức thôi . Các chị có cho rằng kỳ vọng với nữ chính khách thường rất lớn vì họ bị chăm sóc, để ý tương đối kỹ? 

Bà Đỗ Thùy Dương: Có lẽ làm chính khách là nghề rất khó. Khi tôi hoạt động doanh nghiệp, kỳ vọng của mọi người với tôi rất khác. Do đó, tôi thấy rằng kỳ vọng của dân về chính khách, đặc biệt phụ nữ, càng khắt khe hơn. Có những người hoạt ngôn, có những người chỉ chú tâm vào việc làm. Hoạt động ở nghị trường thiên về khâu nói, nhưng sâu xa hơn không phải là anh có khả năng hay không mà là anh có trăn trở với vấn đề đó và sẵn sàng cùng mọi người tìm ra giải pháp hay không. 

Các kênh truyền thông bây giờ tương đối nhiều, những người đại diện nhân dân cũng cần tới nhiều hơn nữa các  kênh truyền thông để lắng nghe và đối thoại với công chúng thay vì chỉ phát biểu tại thời gian ít ỏi trong các cuộc họp. 

{keywords}

Bà Đỗ Thùy Dương: "lãnh đạo không đơn thuần là một vị trí"

Lãnh đạo là một tố chất 

Hoàng Hường: Nhân đang bàn tới chuyện phụ nữ làm lãnh đạo, tôi có một thắc mắc là phẩm chất của một chính trị gia và phẩm chất của một nhà lãnh đạo có  khác nhau không?  

Bà Đỗ Thùy Dương: Tôi đã chia sẻ từ đầu đó là lãnh đạo không đơn thuần là một vị trí. Chúng ta đã nói rất nhiều về khác biệt giữa người quản lý và người lãnh đạo. Sự khác biệt nằm ở chỗ  người làm quản lý quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về thể chế, giải quyết những vấn đề tức thì, còn người lãnh đạo quan tâm đến tinh thần của mọi người, quan tâm đến đời sống, lắng nghe tâm tư, tình cảm đáp ứng nguyện vọng.  

Vậy thì đương nhiên một chính trị gia, như chúng ta hay nói là công bộc của dân, phải là người có tố chất lãnh đạo mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nếu muốn làm chính trị gia, nhưng không có tố chất lãnh đạo bẩm sinh thì họ phải nhanh chóng rèn luyện cho mình có khả năng, tự học hoặc học bằng rất nhiều cách để có được điều đó và để đáp ứng kỳ vọng của người dân. Bởi vậy, tôi cho rằng nhà chính trị phải luôn luôn là một nhà lãnh đạo. 

Hoàng Hường: Vậy tôi có một suy nghĩ là, nếu chúng ta cứ giữ tư duy chính trị gia phải là một nhà lãnh đạo thì đâu là cơ hội cho những đối tượng khác nhau ngoài xã hội? Đặt giả thiết là liệu có cơ hội nào cho một phụ nữ nông dân thạo việc, am hiểu việc của nhà nông… được tham gia chính trường để góp tiếng nói hoạch định các chính sách cho nông nghiệp?

Bà Đỗ Thùy Dương: Khi chị nông dân như nhà báo vừa nói bước vào QH chị ấy là chính trị gia. Chị ấy phải nhanh chóng trang bị cho mình khả năng lãnh đạo và dẫn dắt đội ngũ nông dân của chị ấy. Tôi không nói rằng chị ấy phải là lãnh đạo mới có thể tham gia vào chính trường. Chúng ta không phân biệt người tham gia vào chính trường là nông dân, trí thức, bác sĩ mà đang cần người có năng lực. Cần có bộ máy toả đi mọi nơi để tìm kiếm những người tài như vậy. Những người giữ vai trò lãnh đạo nông dân, tôi nói thật, khó hơn lãnh đạo trí thức rất nhiều. 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi hiểu ý chị Dương. “Lãnh đạo” được đề cập ở đây là một tố chất được thử thách, được khẳng định qua thời gian, qua trải nghiệm. Nó khác với chức vụ. Chị Dương nói đúng: có những người chỉ giữ một, hai chức vụ thôi nhưng đã được đánh giá xuất sắc. Còn có những vị khác tuy được giao giữ tới dăm bảy chức vụ mà lúc cho điểm thì cũng chỉ đạt  mức vừa phải. 

Tôi hiểu rằng, vẫn đang có những người làm chính trị không  thực sự có tố chất lãnh đạo. Cho nên đất nước cần những chính trị gia thể hiện được tố chất lãnh đạo trong hành vi, trong tư duy, sinh hoạt, trong mọi việc quản lý. Không phải chuyện không thể giao cho họ làm, mà quan trọng là điều kiện năng lực đi kèm. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không có điểu kiện được học tập cao nhưng vì ông có tố chất lãnh đạo kiệt xuất nên, nói thật, trò chuyện với ông Kiệt tôi thấy ông còn uyên bác và hiểu biết  hơn những người có 2 - 3 bằng tiến sĩ.

Do đó, không loại trừ khả năng như nhà báo hỏi, song cá nhân người nông dân đó phải có một tố chất thật là xuất chúng. Thứ hai, tôi nghĩ phải ham học hỏi từ mọi môi trường. Tóm lại, không nên khiên cưỡng và áp đặt vào cơ cấu, nhưng nếu xuất hiện một hạt giống lãnh đạo trong thành phần nông dân hay thành phần dân tộc thiểu số nào đó, thì trách nhiệm của bộ máy chính trị và xã hội là không thể lãng phí những hạt giống hiếm hoi đó.  

Quan điểm của tôi rõ ràng: rút ngắn khoảng cách giữa dân tộc thiểu số ở VN với dân tộc Kinh, không thể bằng những chính sách “tốt bụng” trợ cấp ưu tiên này kia. Quan trọng nhất là làm vườn ươm của những nhân tố gọi là phụ nữ doanh nhân trẻ trong cộng đồng dân tộc thiểu số để chính họ tạo của cải giàu có ngay chính trong cộng đồng của họ.   

(Còn tiếp)

Tuần Việt Nam

Ảnh: Trần Chánh Nghĩa

Quay phim: Ngọc Trinh, Mai Yên

Dựng phim: Huy Phúc