Theo hãng tin RT, hồi tuần trước, các nguồn tin Ukraine cho biết Kiev đã tấn công vào địa điểm Voronezh-DM tại vùng Krasnodar ở phía nam nước Nga, và gần thành phố Armavir. Phân tích của Đại tá Markus Reisner được quân đội Áo công bố hôm 26/5, cho rằng vụ tấn công vào Voronezh-DM được cho có ý nghĩa quan trọng, do cơ sở này là một phần trong hệ thống răn đe hạt nhân của Nga.

Song ông Reisner cho hay, việc tấn công trạm radar khó có thể mang lại giá trị quân sự trực tiếp cho Kiev. Bởi theo ông, việc vô hiệu hóa radar này sẽ làm giảm lượng thông tin tình báo mà Nga thu thập được về các vụ phóng tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, trạm Voronezh-DM được thiết kế để phát hiện các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) bay ở độ cao lớn hơn nhiều so với vũ khí chiến thuật mà Ukraine sử dụng.

radar nga ukraine.jpg
Hình ảnh vệ tinh hé lộ trạm radar cảnh báo sớm Voronezh-DM của Nga bị tấn công. Ảnh: The War Zone

Theo ông Reisner, vụ tấn công trên có thể là phản ứng của Mỹ, sau khi Nga tuyên bố khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược trong một số trường hợp nhất định. Đầu tháng 5, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã hạ lệnh tiến hành tập trận hạt nhân chiến thuật ở Quân khu phía Nam nằm giáp biên giới Ukraine. Moscow cho biết đây là động thái đáp trả trước những lời lẽ ngày càng thù địch từ giới chức phương Tây.

“Nếu đúng như vậy, có thể rút ra 2 kết luận. Thứ nhất, tình hình ở Ukraine hiện cực kỳ nghiêm trọng. Thứ hai, xung đột ở Ukraine lại leo thang”, Đại tá Reisner nhấn mạnh, cuộc tấn công vào trạm radar Voronezh-DM có thể đủ để dẫn tới trả đũa bằng hạt nhân.

Trong khi đó, học thuyết hạt nhân của Nga quy định kho vũ khí hạt nhân của nước này có thể được sử dụng trong 4 tình huống bao gồm “hành động của đối phương chống lại các cơ sở quân sự và chính phủ mang ý nghĩa quan trọng đối với Nga”.

Những trạm radar như Voronezh-DM có nhiệm vụ phát hiện các vụ phóng ICBM, và thông báo cho lãnh đạo quốc gia. Tại thời điểm đó, các quan chức có thể đưa ra quyết định có nên bắn trả hay không.

Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa lên tiếng bình luận về thông tin Ukraine tấn công trạm Voronezh-DM. 

Washington từng bị cáo buộc có hành động 'bên miệng hố chiến tranh' với Nga. Nhà báo điều tra Seymor Hersh cho hay, Mỹ đứng sau vụ đánh bom năm 2022 vào đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc vốn vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga trực tiếp đến Đức. Chính phủ Mỹ sau đó đã bác bỏ cáo buộc, nhưng Nga cho biết đây là thông tin đáng tin cậy.