Dù AI được nhắc đến nhiều hơn hẳn từ khi chatbot ChatGPT của OpenAI ra đời, hành trình của công nghệ này trong ngành công nghiệp báo chí đã bắt đầu từ khá sớm. Hãng tin AP bắt đầu ứng dụng AI trong sản xuất các tin tức báo cáo kinh doanh từ năm 2014 và tóm tắt tin thể thao. Năm 2018, hãng thông tấn Tân Hoa Xã giới thiệu MC nam AI đầu tiên trên thế giới. Đầu năm nay, họ cũng ra mắt MC nữ AI đầu tiên của mình.

Sự phổ biến của các công cụ AI tỷ lệ thuận với nỗi lo lắng khi dùng nó. Tuy nhiên, hầu hết những nhà báo từng dùng ChatGPT để hỗ trợ công việc đều kết luận rằng, chatbot này chưa đủ tốt để “cướp” việc của họ, theo AFP.

Cuối năm 2022, trang tin công nghệ Cnet của Mỹ đưa mọi chuyện đi xa hơn khi âm thầm xuất bản hàng chục bài báo do AI viết hoàn toàn. Vụ việc vỡ lở sau khi tác phẩm của “nhà báo AI” dính nhiều lỗi sai trầm trọng. Cho tới tháng 1 năm nay, công ty mới xác nhận suy đoán của giới chuyên môn và gọi đây chỉ là một thử nghiệm.

Hành động của Cnet khác hẳn với AP. Dù cũng dùng AI trong các bài viết, nhà báo của AP thường bổ sung thông tin mới vào các bản tin đã được định dạng sẵn.

AI sẽ là công cụ đắc lực hỗ trợ nhà báo nhưng chưa thể thay thế họ. (Ảnh: NYT)

Chuyện chưa dừng lại ở đây. Năm 2023 chứng kiến sự ra đời của NewsGPT, kênh tin tức đầu tiên trên thế giới với nội dung do AI sản xuất toàn bộ. Mục đích của nền tảng là cách mạng hóa việc phân phối báo chí, cung cấp tin tức dựa trên sự thật, không thiên kiến. CEO Alan Levy gọi NewsGPT là nền tảng “thay đổi cuộc chơi”.

Theo truyền thông, NewsGPT sử dụng thuật toán máy học và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, quét các nguồn tin liên quan trên thế giới theo thời gian thực để viết tin chính xác, cập nhật và trung lập. Hãng cũng tuyên bố không bị ảnh hưởng của nhà quảng cáo, chính trị và quan điểm cá nhân.

Lo ngại khi sử dụng AI trong báo chí

Khi hệ sinh thái báo chí trải qua các thay đổi lớn, nó gây lo ngại về cách thức và phạm vi sử dụng AI. Đây là lo ngại hoàn toàn có cơ sở. Trong cuộc phỏng vấn với trang tin DW của Đức, nhà báo Pamela Philipose chỉ ra nguy cơ thực sự mà AI và các ứng dụng của nó đối với tòa soạn. “Vấn đề đa tầng là khả năng AI tạo ra thông tin sai sự thật ngay từ trong trứng”.

Theo AFP, Brandi Geurkink, cố vấn công nghệ và chiến lược tại hãng Reset, cũng lên tiếng về nguy cơ phát tán tin sai sự thật và làm xói mòn lòng tin vào báo chí khi lượng sử dụng AI tăng đột biến. Các chuyên gia báo chí bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc ngày càng lớn về các thuật toán và tự động hóa, đe dọa, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín của báo chí.

Trong khi đó, Cnet và ấn phẩm cùng công ty Bankrate được cho là chỉ tiết lộ vấn đề khi bị một trang tin khác báo cáo về những sai sót, đôi khi là nghiêm trọng, trong các bài viết của AI. Tính chính xác là một trong những yếu tố căn bản của báo chí. Việc AI viết tin từ dữ liệu không chính xác, chưa được kiểm chứng sẽ ảnh hưởng đến tính đáng tin về lâu dài.

Không hoàn toàn là thảm họa

Dù AI có sai sót, một số nhân sự trong giới truyền thông vẫn xem các con bot như ChatGPT là “cuộc cách mạng”. Mathias Doepfner, ông chủ nhà xuất bản Axel Springer, nói với nhân viên rằng, AI có tiềm năng cải thiện báo chí độc lập hơn bao giờ hết. Ông thông báo cơ cấu lại để tận dụng AI như công cụ hỗ trợ nhà báo, giảm tối đa khâu sản xuất và hiệu đính nội dung.

AI dần tiến bộ nhưng sẽ không đánh cắp công việc của các nhà báo, đây là khẳng định của Mattia Peretti, cựu giám đốc chương trình JournalismAI của Đại học Khoa học chính trị và Kinh tế London (Anh). Trong bài phân tích cho Mạng lưới báo chí điều tra toàn cầu, ông cho rằng “sự thật là trí tuệ nhân tạo chưa đủ thông minh để thay thế nhà báo”.

AI có tiềm năng loại bỏ hàng loạt vị trí trong nền kinh tế nhưng báo chí thì chưa. Nó sẽ đóng nhiều vai trò khác nhau để hỗ trợ một nhà báo song còn lâu nữa mới có khả năng thay thế họ, theo Peretti.

Tương tự, Alex Connock – tác giả cuốn “Quản trị truyền thông và Trí tuệ nhân tạo” nhận định việc sử dụng các công cụ sáng tạo nội dung sẽ khiến nhiều người mất việc làm, nhưng không phải trong lĩnh vực đưa tin hay phân tích đòi hỏi trình độ cao cấp.

(Theo wionews)