Để thực hiện chủ trương tắt sóng 2G, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện các giải pháp như truyền thông tới từng thuê bao, hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dùng, đặc biệt là người dùng yếu thế như người già, người có thu nhập thấp, người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Trên thực tế, các nhà mạng đều đang tích cực hưởng ứng chính sách này, đồng thời, đưa ra nhiều biện pháp cụ thể để đẩy thuê bao 2G lên 4G trước hạn 16/9.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?” do Báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) tổ chức, các nhà mạng đều đang thể hiện quyết tâm rất cao trong việc thực hiện chủ trương tắt sóng 2G của Bộ TT&TT. 

Theo ông Lê Đắc Kiên, Phó Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone, VinaPhone xác định trước sau cũng phải tắt sóng 2G, do vậy, đã chuẩn bị sẵn lộ trình cho việc này từ sớm. Chính sách tắt sóng 2G của Bộ TT&TT sẽ góp phần giúp nhà mạng đẩy nhanh việc triển khai lộ trình này. 

W-2G Le Dac Kien.jpg
Ông Lê Đắc Kiên, Phó Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phó Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone cho hay, hiện trên hệ thống của nhà mạng này còn khoảng 1,5 triệu thuê bao 2G. VinaPhone cam kết đến tháng 9/2024 sẽ chuyển đổi toàn bộ số khách hàng này sang thuê bao 4G. 

Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi, về hạ tầng mạng lưới, VinaPhone đã tăng cường phủ sóng 4G để thay thế vùng phủ 2G và chủ động mua sắm các thiết bị đầu cuối smartphone giá rẻ, feature phone 4G để hỗ trợ chuyển đổi cho người sử dụng. 

Chúng tôi đã khuyến cáo khách hàng chuẩn bị tâm lý, trước sau gì cũng phải đổi thiết bị 2G. Thuê bao 2G cần chuẩn bị kinh phí nâng cấp thiết bị đầu cuối. Nhà mạng sẽ hỗ trợ phần nào nhưng không thể hết tất cả. VinaPhone cũng đã giao nhiệm vụ cho cán bộ ở từng địa bàn phải hỗ trợ quá trình chuyển đổi cho người dùng”, ông Kiên chia sẻ. 

Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone cho biết, tỷ lệ người dùng 2G trên mạng lưới của nhà mạng này hiện giảm rất nhanh, chỉ còn khoảng dưới 5% tổng thuê bao. 

Kể từ 1/3/2024, MobiFone đã không cho thiết bị 2G không hợp quy hòa mạng. Để đảm bảo quyền lợi khách hàng, các thiết bị hợp quy vẫn có thể sử dụng đến ngày 15/9. Tuy nhiên, nhà mạng cũng tích cực đưa ra các khuyến cáo về việc chuyển đổi thiết bị với người dùng. 

W-2G Bui Son Nam.jpg
Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhằm giảm tỷ lệ thiết bị 2G trên mạng lưới, MobiFone đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên smartphone, feature phone 4G, hỗ trợ gói cước, tham gia đồng hành cùng các chuỗi bán lẻ thiết bị.

Theo ông Bùi Sơn Nam, trong quá trình chuyển đổi, người dùng cũng có thể chọn sử dụng “cloud phone”, loại thiết bị không cần cấu hình quá mạnh, nhưng vẫn có thể đáp ứng nhiều dịch vụ với giá thành hợp lý. 

Hiện 100% SIM 2G của người dùng MobiFone đều đã chuyển đổi. Toàn bộ khách hàng của MobiFone đều đang có SIM 4G, chỉ cần có thiết bị đầu cuối hỗ trợ 3G, 4G là có thể dùng được luôn, không cần đổi SIM”, Phó Tổng Giám đốc MobiFone khẳng định. 

W-2G Nguyen Trong Tinh.jpg
Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom Nguyễn Trọng Tính. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, Viettel là nhà mạng có số lượng thuê bao lớn nhất, nên số lượng thuê bao 2G cũng ở mức lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Viettel đã chuyển đổi hơn 2 triệu thuê bao 2G lên các công nghệ cao hơn, nhiều hơn hẳn so với các năm trước. 

Ông Tính cho rằng, kết quả này đến từ sự chỉ đạo sát sao của Cục Viễn thông. “Chúng tôi họp thường xuyên mỗi tuần với Cục Viễn thông. Nhờ sự phối hợp với các Sở TT&TT trên cả nước, cùng sự chung tay của chính quyền cấp quận, huyện, xã, các cơ quan báo chí và nỗ lực của doanh nghiệp, số lượng thuê bao chuyển đổi tăng đột biến”, đại diện Viettel nói. 

Viettel cũng đưa ra những chính sách rất mạnh, giảm giá máy từ 30-50%, đồng thời, truyền thông sâu rộng tới người dùng thông qua tổ công nghệ số và người có uy tín trong cộng đồng. Thậm chí Viettel còn tổ chức bán hàng lưu động đến tận cấp xã với những điểm hỗ trợ chuyển đổi 24/7. 

W-2G Dang Dang Tung.jpg
Trưởng phòng Phát triển thuê bao Vietnamobile Đặng Đăng Tùng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo ông Đặng Đăng Tùng, Trưởng phòng Phát triển thuê bao Vietnamobile, thực hiện chủ trương tắt sóng 2G, nhà mạng này đã thực hiện đồng bộ 3 giải pháp về cả hạ tầng, kinh doanh và truyền thông tới người sử dụng. 

Vietnamobile hiện đã chủ động tắt các trạm 2G, nhất là các trạm có lưu lượng thấp, đồng thời, đưa ra các gói cước, phối hợp với kênh phân phối, điểm bán để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi. Song song đó, các giải pháp về truyền thông cũng đã được nhà mạng này triển khai bằng việc nhắn tin tới tất cả các khách hàng.

W-2G Nguyen Van Dung.jpg
Giám đốc VNSKY Nguyễn Văn Dũng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Với nhà mạng ảo mới gia nhập thị trường là VNSKY, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc VNSKY, cho hay khách hàng của đơn vị này là tập người trẻ, sử dụng smartphone. Lượng thuê bao 2G của VNSKY hiện không đáng kể, chỉ dưới 100 thuê bao. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho nhà mạng trong việc hỗ trợ khách hàng chuyển đổi.

VNSKY đã nhắn tin, gọi điện trực tiếp để thông báo tới khách hàng, đồng thời đang phối hợp với Hoàng Hà Mobile để hỗ trợ người dùng đổi máy. Theo đó, VNSKY sẽ tặng người dùng 6 tháng gói cước dịch vụ khi người dùng chuyển đổi thành công”, ông Dũng cho biết. 

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp viễn thông đều bày tỏ mong muốn có sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước trong việc truyền thông chính sách, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi thiết bị cho người dùng để giảm bớt phần nào gánh nặng, từ đó giúp nhà mạng có thể hoàn thành mục tiêu tắt sóng 2G.