Ngày 5/12 tại TPHCM, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giao lưu và ra mắt tác phẩm Tiệm sách của nàng với cấu trúc “truyện trong truyện” được xem là thử thách khó cho các tác giả. Khác với Lá nằm trong lá hay Cảm ơn người lớn, tác phẩm Tiệm sách của nàng yêu cầu kỹ thuật người viết chắc tay hơn khi phải liên kết 3 câu chuyện kể Trước tuổi mười lăm, Tiệm sách của nàng và Bên kia đồi Quạ.
Tác phẩm mở đầu với bối cảnh là một tiệm sách tại thành phố hiện đại. Nơi tình yêu giữa “anh” và “nàng” được vun vén từ những giọt nắng, những ngày mưa, những cuốn sách, những câu thoại của hai người. Lấy bối cảnh miền quê là sở trường của Nguyễn Nhật Ánh, ông lồng ghép các chi tiết về ký ức tuổi thơ của hầu hết những đứa trẻ ở vùng nông thôn miền Trung.
Với cấu trúc “3 trong 1”, tác phẩm yêu cầu ở bạn đọc sự kiên nhẫn bởi độc giả phải đọc theo trình tự được sắp xếp theo dụng ý của tác giả nhằm tránh sự ngắt mạch trong cảm xúc. Để khẳng định chắc chắn về lời khuyên trên, Nguyễn Nhật Ánh cho biết ông để nhân vật Quyến xuất hiện và đóng vai trò như một chất keo với mục đích móc nối cả ba tuyến truyện thành một mạch thống nhất.
Chia sẻ về lý do “tự làm khó” mình với cấu trúc “truyện trong truyện”, ông cho rằng đây là nhu cầu của một nhà văn muốn làm mới mình. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bộc bạch: “Đây là cuốn sách đã lấy đi của tôi nhiều sức lực. Tôi nghĩ tác phẩm lần này không chỉ thử thách thói quen viết của tôi, mà còn thử thách thói quen đọc của độc giả”.
Bật mí về tựa sách, bản thân Nguyễn Nhật Ánh từ lúc nhỏ đã nuôi dưỡng mơ ước trở thành nhà văn và chủ một tiệm sách sau khi đọc được những tác phẩm bất hủ của Tô Hoài hay Victor Hugo. Sau này, ông đã thực hiện được cả hai: trở thành cây bút được nhiều bạn đọc yêu mến và mở tiệm sách “Kính Vạn Hoa” gần 10 năm (hiện đã đóng cửa). Lục tìm trong ký ức, nhà văn chợt tìm thấy hình ảnh của tiệm sách năm xưa và tạo cảm hứng cho ông đặt bút viết nên tác phẩm này.
Có thể xem Tiệm sách của nàng hội tụ nhiều “cái đầu tiên” nhất của Nguyễn Nhật Ánh dù ông đã ra mắt hơn 50 tác phẩm. Nếu bạn đọc thắc mắc về những bút danh quen thuộc như Cỏ Phong Sương và Lãnh Nguyệt Hàn đã xuất hiện trong một số tác phẩm trước đó, thì đây là cách mà nhà văn lý giải: “Một số câu chuyện tôi viết được lấy bối cảnh chung một vùng không gian như làng Đo Đo hay thị trấn Hà Lam. Nên các tuyến nhân vật của truyện này có thể xuất hiện trong cuộc đời của nhân vật ở truyện khác. Đôi khi họ sẽ quen biết nhau và sử dụng những bút danh bất hữu khi kể chuyện về một thế hệ từng sống ở đó... Hồi còn đi học, tôi lấy bút danh là Hoài Mộng Thư”.
So với các tác phẩm trước đây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có dịp vận dụng tài năng thơ ca của mình để làm cho câu chuyện trở nên bay bổng và ưu tư hơn thì Tiệm sách của nàng chỉ có vỏn vẹn 12 dòng thơ 4 chữ xuyên suốt tác phẩm. Với ông, việc lồng ghép thơ hay không cũng không quá quan trọng trong thể loại truyện.
Với những cái tên đặt cho nhân vật của mình, ông khẳng định đó vừa là ngẫu nhiên vừa là ẩn ý. Tùy vào cách bạn đọc hiểu sâu về tình tiết truyện như thế nào, chính câu chuyện và cuộc đời của nhân vật mới làm cho cái tên của họ trở nên có ý nghĩa. Những cái tên của nhân vật từ trước giờ đều có một điểm chung là hướng về sự tử tế của chính họ. Nhà văn hé lộ sẽ có một tập truyện dài với sự góp mặt của các nhân vật xuất hiện trong những tác phẩm trước đó.
Nhà báo, tác giả Dương Thành Truyền nhận xét: “Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã sống với rất nhiều thế hệ. Mỗi một giai đoạn của con người khi đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh đều sẽ có cảm nhận khác nhau. Không chỉ riêng Tiệm sách của nàng, tất cả tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đều có sức ảnh hưởng lớn đến giới văn đàn và từng thế hệ độc giả”.