13h45 hôm nay (26/7), linh xa đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chầm chậm rời Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Nhiều người dân đã có mặt ở những tuyến đường xe đi qua để tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng. 

Ghi nhận của VietNamNet tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, người dân theo dõi lễ tang qua truyền hình và nhiều phương tiện truyền thông bày tỏ xúc động, tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Tại TP Cần Thơ, người dân theo dõi Lễ viếng, truy điệu và an táng Tổng Bí thư qua sóng truyền hình. 

W-Cần Thơ.jpg
Ông Trần Hiếu xúc động trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hoài Thanh

Ông Trần Hiếu (cựu chiến binh, báo cáo viên của Câu lạc bộ Hưu trí TP Cần Thơ) bày tỏ: “Từ hôm nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi thẫn thờ, rất buồn và đau lòng như vừa mất đi người ruột thịt của mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người hết lòng vì Đảng, vì dân. Sự ra đi của Tổng Bí thư là mất mát to lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”. 

W-z5665954832763_fb1bb688f964636979e3eb674af252d4.jpg
Ông Vũ Đình Khuyên. Ảnh: Đức Hoàng

Thừa Thiên-Huế

Chiều 26/7, tại Hội trường Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo đơn vị cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng theo dõi Lễ truy điệu, Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua màn hình tivi.

Đại tá Hoàng Văn Nhân, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa trong sự tiếc thương của toàn Đảng, toàn quân, cùng toàn thể đồng bào Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ mãi mãi trân trọng, ghi nhớ công lao to lớn, những đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng QĐND Việt Nam.

rtung tanhan.jpg
Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính uỷ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế

"Để tri ân Tổng Bí thư, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh hứa sẽ quán triệt, triển khai học tập nghiêm túc tinh thần chỉ đạo 7 dám của Tổng Bí thư, không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó", Đại tá Hoàng Văn Nhân nói.

Thanh Hóa

Đúng 13h, tại Hội trường Đại học Hồng Đức, hàng trăm sinh viên mặc quần áo tối màu nghiêm trang ngồi theo dõi Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phát trực tiếp trên sóng truyền hình.

le duong.jpg
Hàng trăm sinh viên của Trường ĐH Hồng Đức theo dõi Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua truyền hình. Ảnh: Lê Dương

Không giấu được cảm xúc trên khuôn mặt, bạn Lê Anh Nguyệt (lớp K24, Kiểm toán) cho biết: “Từ hôm nhận được tin bác mất, bản thân con khi nào cũng bồi hồi, xúc động. Mỗi khi được nghe những câu chuyện, những thước phim về tấm gương đạo đức của bác, con lại không cầm được nước mắt.

Hôm nay, bác đã về cõi vĩnh hằng, con xin vĩnh biệt bác! Chúng con luôn cố gắng, biết ơn và khắc ghi những bài học, lời dạy của bác để xây dựng đất nước”. 

le duong 1.jpg
Trên khuôn mặt của bạn Lê Anh Nguyệt là những giọt nước mắt tiếc thương. Ảnh: Lê Dương

Tại Phú Thọ, ông Vũ Đình Khuyên (85 tuổi, trú tại xã Thụy Vân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) không khỏi thương tiếc Tổng Bí thư khi theo dõi Lễ Quốc tang qua truyền hình.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Khuyên cho biết, ông từng có 3 năm ở cùng ký túc xá và học cùng lớp nghiên cứu sinh với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Khoa Kinh tế - Chính trị khóa 3, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (giai đoạn 1973-1976), nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

“Năm đó, ở lớp nghiên cứu sinh anh Trọng là người trẻ nhất, 29 tuổi. Phòng ký túc chúng tôi có 4 người cùng sinh hoạt, học tập như anh em trong một gia đình. Anh Trọng là người rất giản dị, chân thành và đặc biệt là rất thông minh. Lần gặp nhau cuối cùng của chúng tôi đã gần 30 năm", ông Khuyên nghẹn ngào nhớ lại kỷ niệm những năm tháng tuổi trẻ học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

W-z5666070188132_d4207ab545daa8ad2ef6fdb0c468bc0f.jpg
Phút mặc niệm của lực lượng Công an huyện Yên Lập. Ảnh: Y.L

Tại Lai Châu, anh Nguyễn Duy Cường - Phó Bí thư Huyện đoàn Tam Đường chia sẻ: Tuổi trẻ huyện Tam Đường bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn khi phải tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Noi gương Tổng Bí thư, đoàn viên, thanh, thiếu nhi huyện Tam Đường tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có ý chí phấn đấu trong lao động, học tập, có tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm, có ý chí khắc phục khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp; sống nhân ái vì cộng đồng, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. 

z5664572536688_60a465446fe170b6a186c76fb48919e9_1721827878930.jpg
Anh Nguyễn Duy Cường - Phó Bí thư Huyện đoàn Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Tại Điện Biên, ở vùng ngã ba biên giới xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, người dân Hà Nhì nhiều ngày qua đã bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu bày tỏ: "Dù chưa gặp Tổng Bí thư ngoài đời, nhưng với những cống hiến của Tổng Bí thư, bà con nhân dân vùng biên giới Sín Thầu đều biết ơn Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc".

W-z5670070670766_dd4f97a333a0a2cad766ec03bfd890fa.jpg
Ông Pờ Dần Sơn treo cờ rủ tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: P.L

Tại tỉnh Lào Cai, đồng bào các dân tộc trong tỉnh cùng hướng về Thủ đô Hà Nội, nơi diễn ra Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cơ quan, đơn vị, địa phương và đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai đều xúc động, tiếc thương vô hạn và bày tỏ sự tri ân lớn lao trước những cống hiến, đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

co fan.jpg
Nghi thức treo cờ rủ trên đỉnh Fansipan diễn ra trong không khí trang nghiêm. Ảnh: Báo Lào Cai

Tại đỉnh núi Fansipan, nơi được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương", nghi thức treo cờ rủ và phút mặc niệm đã diễn ra trong không khí trang nghiêm.

Trên kỳ đài cao nhất của Tổ quốc, hình ảnh lá cờ rủ như một lời tiễn biệt, tri ân sâu sắc gửi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Tại tỉnh Hà Giang, nhiều người dân xúc động nghẹn ngào khi theo dõi trực tiếp Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua truyền hình. Tại các cơ quan, công sở các cán bộ đi làm sớm hơn mọi ngày. 

Ở Đồn Biên phòng Lũng Cú (huyện Đồng Văn) tổ chức Lễ thượng cờ rủ tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú. Lá quốc kỳ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc cả nước có dải băng tang treo trong 2 ngày 25-26/7 để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

ong vu.png
Gia đình ông Nguyễn Khắc Vụ theo dõi Lễ Quốc tang qua truyền hình. Ảnh: Báo Hà Giang

Ông Nguyễn Khắc Vụ, cựu chiến binh đang sinh sống tại tổ 6, phường Trần Phú (TP Hà Giang) cho biết, ông cảm thấy buồn thương, xúc động khi xem truyền hình trực tiếp Lễ Quốc tang. 

Ông chia sẻ: "Mặc dù chưa được gặp Tổng Bí thư lần nào, nhưng tôi cùng những người thân trong gia đình đều thấy buồn và hụt hẫng. Sự ra đi của Tổng Bí thư là sự mất mát lớn lao với Đảng, Nhà nước, dân tộc ta".