Học viện lần đầu tiên có Hội đồng trường
Chiều ngày 16/9, Bộ TT&TT đã công bố các quyết định công nhận Hội đồng học viện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Hội đồng Học viện) và công nhận Chủ tịch Hội đồng Học viện.
Lễ công bố có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm; và GS.TS Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học của Học viện.
Hội đồng học viện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức ra mắt. |
Cùng với 3 thành viên đương nhiên và 2 thành viên đại diện cho Bộ TT&TT, Hội đồng Học viện mới được công nhận gồm có 19 thành viên, trong đó có 13 thành viên trong Học viện và 6 thành viên bên ngoài Học viện (chiếm 31,6%), bảo đảm đúng cơ cấu, số lượng theo quy định. Ông Từ Minh Phương, Trưởng khoa CNTT 1 của Học viện, Thành viên Hội đồng Học viện đảm trách cương vị Chủ tịch Hội đồng Học viện.
Chia sẻ tại lễ công bố, PGS. TS Vũ Văn San, Giám đốc Học viện, thành viên Hội đồng Học viện cho biết, Hội đồng đầu tiên của Học viện vừa có vinh dự cao nhưng cũng mang trọng trách lớn. Hội đồng sẽ phải phát huy vai trò là người lãnh đạo toàn diện nhà trường trên các lĩnh vực, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan về các quyết định về phương hướng hoạt động, huy động các nguồn lực cho Học viện, thực hiện giám sát các hoạt động của Học viện, gắn Học viện với xã hội.
Để Hội đồng Học viện hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên, theo ông San, đòi hỏi các thành viên phải nỗ lực thực hiện tốt các trọng trách được giao, cùng nhau xây dựng được một cơ chế hoạt động của Hội đồng minh bạch, sáng tạo, có những quyết sách mang tính chiến lược cho sự phát triển của Học viện.
Theo GS.TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện, bên cạnh những thuận lợi, Học viện cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có khó khăn về thu hút sinh viên, giảng viên giỏi chủ yếu do sự thay đổi nhu cầu đào tạo và sự vươn lên mạnh mẽ của các trường đại học trong nước.
Đó còn là thách thức từ việc không còn nguồn kinh phí đơn đặt hàng thường xuyên từ cơ quan chủ quản ảnh hưởng đến nguồn thu, doanh thu không tăng, gây khó khăn cho đầu tư phát triển, thu nhập của cán bộ giảng viên không được cải tiến. Sự thay đổi của công nghệ nhất là công nghệ số cũng đặt ra thách thức trong thay đổi mục tiêu và phương thức đào tạo.
“Trong hoàn cảnh đó, tận dụng tốt ưu thế của cơ chế tự chủ cũng là chìa khóa để Học viện giải phóng các nguồn lực, tăng khả năng cạnh tranh”, Chủ tịch Hội đồng Học viện nói.
Mô hình mới giúp nhân đôi sức mạnh
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, Học viện đã bầu ra 19 thành viên của Hội đồng Học viện với cơ cấu phong phú, có đại diện của Bộ TT&TT, có đại diện của chuyên gia giáo dục đào tạo, có đại diện của 3 tập đoàn công nghệ vào loại lớn nhất Việt Nam là Viettel, VNPT và CMC.
“Hội đồng Học viện đã bầu ra Chủ tịch của mình là GS. TS. Từ Minh Phương với số phiếu 100%, thể hiện sự nhất trí cao. Cả Học viện sẽ nhìn vào đây để thấy sự đoàn kết – là cái mà bất kỳ tổ chức Việt Nam nào cũng cần thiết nhất để phát triển bền vững. Lãnh đạo Bộ rất vui mừng với kết quả này và tin vào các đồng chí”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, rất nhiều quyền của Bộ trước đây sẽ được chuyển giao cho Hội đồng Học viện và tự chủ đại học sẽ thực chất hơn rất nhiều. |
Bộ trưởng cũng cho biết, rất nhiều quyền của Bộ trước đây sẽ được chuyển giao cho Hội đồng trường và tự chủ đại học sẽ thực chất hơn rất nhiều. Học viện cũng đang trong quá trình chuyển giao thế hệ từ đầu sáu sang đầu bảy.
Nhấn mạnh đây là sự cách biệt 10 năm, sự cách biệt của một thập kỷ, Bộ trưởng vạch rõ: “Sứ mệnh của thế hệ đầu bảy là đào tạo 4.0, đưa Học viện trở thành đại học hàng đầu Việt Nam và khu vực về đào tạo công nghệ số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia và thời hạn là năm 2025”.
Bàn về mô hình hoạt động của Học viện, theo Bộ trưởng, việc chuyển từ mô hình 1 lớp chỉ có Ban Giám đốc sang mô hình 2 lớp - có Hội đồng trường, có Ban Giám đốc, có Chủ tịch và có Giám đốc, là một khó khăn rất lớn với Học viện. Vì nó mới mẻ, phải thay đổi nhiều thói quen, nhiều quy trình và nếu xử lý không khéo thì thành mâu thuẫn và kiềm chế nhau. Nhưng nếu biết cách làm, phân vai cho rõ, hỗ trợ lẫn nhau, bù cho nhau thì lại rất tốt. Sức mạnh nhân đôi.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng chỉ rõ, Hội đồng trường tập trung vào định hướng, đặt ra mục tiêu, chiến lược, kế hoạch; đặt ra các cơ chế để đại học giải phóng các nguồn lực của mình để phát triển; tạo ra các nguồn lực mới cho đại học, bao gồm cả nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ giám sát, giám sát để đảm bảo đại học đi đúng hướng, đúng chiến lược, hướng tới mục tiêu; giám sát để phát hiện sớm các sai sót trong cách làm để điều chỉnh kịp thời Ban Giám đốc và để bảo vệ Giám đốc; định hướng về các hợp tác của đại học.
“Có hai cái Giám đốc không thể làm nhưng lại vô cùng quan trọng với Giám đốc, đó là cơ chế hoạt động và giám sát bảo vệ. Nhưng hai cái này thì Chủ tịch có thể làm được và làm rất tốt, đúng vai nhất”, Bộ trưởng lưu ý.
Đưa ít nhất 70% nội dung giảng dạy lên nền tảng số
Giao nhiệm vụ cho Hội đồng Học viện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mặt của Hội đồng xây dựng quy chế hoạt động, khung chiến lược 5 năm tới cho trường, kế hoạch trong năm 2020 – 2021, nhiệm vụ của từng thành viên trong Hội đồng và xây dựng hệ thống giám sát ngay trong năm 2020 này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phan Tâm trao quyết định của Bộ TT&TT công nhận Chủ tịch Hội đồng Học viện nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho GS. TS Từ Minh Phương. |
Với 3 tập đoàn công nghệ Viettel, VNPT và CMC, Bộ trưởng yêu cầu phải tham gia Hội đồng trường không chỉ với vai góp ý kiến mà chủ yếu là với vai tham gia vào hoạt động của Học viện, xây dựng các nền tảng, tham gia chủ lực vào phần 40% học chuyên sâu của sinh viên theo mô hình: 30% học kiến thức chung, 30% học kiến thức nền tảng về ngành nghề và 40% là học chuyên sâu về nghề.
Ba tập đoàn công nghệ trên cũng sẽ chia sẻ cơ sở hạ tầng đào tạo với Học viện. Học viện sẽ cùng với ba doanh nghiệp thành lập một doanh nghiệp nghiên cứu trong Học viện, vừa là huy động các nguồn lực nghiên cứu của Học viện vừa là gắn kết các nhu cầu nghiên cứu của doanh nghiệp, vừa kết hợp được tư duy đại học và tư duy doanh nghiệp. Đây sẽ là một mô hình tốt.
Đặc biệt nhấn mạnh việc cần phải chuyển đổi số Học viện, Bộ trưởng phân tích, mục tiêu của chuyển đổi số đại học là nâng cao chất lượng đào tạo nhưng giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên. Đào tạo giáo viên là đào tạo họ sử dụng các công cụ mới này, mà việc này không khó.
Chuyển đổi số đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng các công nghệ số. Do đó, Học viện cần đầu tư xây dựng nền tảng số để ít nhất 70% nội dung giảng dạy được đẩy trên nền tảng. Giáo viên sẽ tập trung vào việc tạo ra giá trị tăng thêm trên nền tảng này. Giáo viên đứng trên nền tảng để giảng dạy.
“Tinh hoa nhân loại, tinh hoa Việt Nam, tinh hoa đại học, tinh hoa của Học viện và tinh hoa của công nghệ sẽ được đưa lên nền tảng này. Đây sẽ là nền tảng mở để liên tục được cập nhật, tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn là cả cách thức giảng dạy, cách thức thi, kiểm tra. Học viện làm xong nền tảng này thì mặt bằng của Học viện sẽ ngay lập tức được nâng lên một mức rất đáng kể”, Bộ trưởng cho hay.
Chỉ rõ trọng tâm của Học viện trong năm 2020 - 2021 là tập trung làm nền tảng, Bộ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ trong ngành có thể hỗ trợ việc này. Bởi vì, Học viện nâng cao được chất lượng đào tạo thì người được hưởng lợi đầu tiên sẽ là các doanh nghiệp công nghệ.
Học viện sẽ ngày càng giống một công ty công nghệ hơn là một trường đại học truyền thống. Học viện sẽ là một công ty công nghệ bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức dạy học của mình lên các nền tảng.
Cũng theo Bộ trưởng, chuyển đổi số đại học thì việc đầu tiên là đưa toàn bộ Học viện thành một xã hội số thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của Học viện, của giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người trong Học viện sẽ có một định danh số.
Học viện là một xã hội thu nhỏ, mà những người trẻ năng động về công nghệ sẽ rất thuận lợi để xây dựng một xã hội số tại đây, không chỉ việc học mà cả việc quản lý, sinh hoạt. Muốn đào tạo nhân lực chuyển đổi số thì hãy cho họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số và đây cũng là cách đào tạo công nghệ số tốt nhất.
“Quý IV năm 2020 và Quý I năm 2021 sẽ là thời gian để Học viện hợp tác với một công ty công nghệ số, để xây nên một đại học số. Hãy là người đi đầu!”, Bộ trưởng đề nghị.
M.T