LTS: Từ thực tế gần 10 năm sau khi cơ cấu lại tổ chức, nhiệm vụ và chức năng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác này đã đạt rất nhiều kết quả, khẳng định sự quyết liệt của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần công khai, minh bạch, nghiêm minh. Những vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã thể hiện rõ quan điểm, chủ trương rõ đến đâu xử đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất cứ sự can thiệp nào, qua đó củng cố lòng tin của đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. 

Người đứng đầu nêu gương, giám sát từ người đứng đầu

Liên quan việc mô hình Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực dự kiến do Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, việc giao cho Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần chú ý phát huy vai trò, vị thế, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, tiêu cực.

Theo ông Hà, Đảng đã xác định rõ người đứng đầu cần nêu gương, gương mẫu thực hiện những việc gì; đồng thời, có cơ chế cụ thể để việc kiểm tra, giám sát sự gương mẫu của người đứng đầu để quần chúng, nhân dân giám sát, góp ý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà. Ảnh: Quốc hội

Vấn đề người đứng đầu kiểm tra, giám sát và kiểm tra, giám sát người đứng đầu là một trong những khâu đột phá trong công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực hiện nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu, ngạn ngữ Việt Nam có những câu “Sông có khúc, người có lúc” hay “Thức lâu mới biết đêm dài, sống lâu mới biết dạ ai thế nào”... Trong thực tế, một số người đứng đầu cấp ủy đảng trực thuộc Trung ương không lâu sau khi được tín nhiệm đã bội tín, làm điều sai trái.

Chẳng hạn, ngay sau Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, không ít bí thư cấp ủy nổi lên như một “hiện tượng” cả về năng lực công tác, đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo. Có đảng viên, sau khi được bầu làm bí thư cấp ủy, trước báo chí đã phát biểu những “câu xanh rờn” “những lời có cánh”. Có lãnh đạo khi được bầu làm bí thư cấp ủy còn rất trẻ, mới 39 tuổi... Ấy vậy mà chỉ sau đó một thời gian ngắn, một số người đứng đầu cấp ủy đảng đã vi phạm kỷ luật và bị cách mọi chức vụ, khai trừ khỏi Đảng, thậm chí rơi vào “vòng lao lý”.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cấp ủy đảng ở nhiều nơi thời gian qua quá “bận rộn” chạy theo vụ việc, thậm chí bị động. Công tác kiểm tra phòng ngừa vi phạm là một trong những hạn chế, thành ra khi vụ, việc được phát hiện, xử lý thì hậu quả đã quá nghiêm trọng rồi.

Ông Hà nhấn mạnh, việc kiểm tra, giám sát ngay từ những ngày đầu, tháng đầu khi nhận nhiệm vụ đối với người đứng đầu là một khâu vô cùng quan trọng. Nếu được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, nền nếp sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, nhất là khắc phục xu hướng tham nhũng quyền lực bằng tạo ra “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”...

Đảng, các cơ quan tham mưu, trong đó có Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần xây dựng cơ chế, quy định để “bịt lỗ hổng”, cấp ủy các cấp phải thường xuyên tự kiểm tra, nhất là đối với cấp ủy viên và cán bộ diện cấp ủy cấp mình quản lý, kịp thời chỉ ra những ưu điểm để phát huy, phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để chủ động khắc phục kịp thời. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải “nhốt” được quyền lực của người đứng đầu trong “lồng cơ chế”…

Ông Đỗ Đức Hồng Hà nhắc lại khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Tổng Bí thư là "không ngừng", "không nghỉ", không vì chống dịch mà "chùng xuống, không xử lý" của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh PCTN, tiêu cực, củng cố thêm niềm tin của nhân dân. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

Bên cạnh đó, công tác nhân sự là công tác vô cùng quan trọng, nhưng cũng vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ chính sách... dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm khách quan.

Cán bộ chống tham nhũng mà lại tư túi: Xử trước

Tại cuộc họp báo thông tin kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN, tiêu cực tổ chức chiều 27/4, ông Nguyễn Thái Học – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng cho hay, khi Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thì phải chịu trách nhiệm trước đảng bộ, chính quyền, trước nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực. Nếu người đứng đầu không xứng đáng, không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học

Ông Học cũng thông tin, tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư cũng đã đề nghị lãnh đạo các cấp, nhất là các cán bộ trong Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cần thực sự liêm chính, vô tư, trong sáng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả vì “tay đã nhúng chàm rồi thì không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

Theo nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực là hợp lý, sẽ giải quyết được một loạt vấn đề.

Tuy nhiên, ông Lê Truyền lưu ý, khi thành lập Ban Chỉ đạo, việc lựa chọn những thành viên tham gia phải đặc biệt được chú trọng, cần lựa chọn những người có ý chí, tâm huyết, quyết tâm phòng chống tham nhũng, “không dính dáng vào điều này, điều khác”.

Ông nhấn mạnh, quá trình lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo cũng là một quá trình đánh giá lại đội ngũ cán bộ, đây là lần rà soát, tìm kiếm có chất lượng. Việc lựa chọn thành viên Ban Chỉ đạo phải thực chất, theo ông, Trung ương cũng phải rà soát, xem xét những người đó có đủ tiêu chuẩn hay không.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội) ngày 12/5 mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh để cảnh tỉnh lãnh đạo các tỉnh phải chú ý, không ai có thể đứng ngoài pháp luật được.

Tổng Bí thư thông tin, sắp tới sẽ có hướng dẫn và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, nhất là việc chọn nhân sự.

“Cán bộ vào đây chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Cán bộ nào vướng vào đây tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế”, Tổng Bí thư lưu ý.

Lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thêm những ‘thanh bảo kiếm sắc bén’

Lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thêm những ‘thanh bảo kiếm sắc bén’

Một trong các nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII là Đề án thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Công tác kiểm tra của Đảng: ‘Chữa lành vết thương và trị bệnh, cứu người’

Công tác kiểm tra của Đảng: ‘Chữa lành vết thương và trị bệnh, cứu người’

Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, Tổng Bí thư từng lưu ý, “bao che cho cán bộ mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng; còn xử lý cán bộ chỉ làm cho Đảng mạnh thêm.
Củng cố niềm tin của nhân dân, ‘trên nóng, dưới cũng phải nóng’

Củng cố niềm tin của nhân dân, ‘trên nóng, dưới cũng phải nóng’

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Truyền khẳng định, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng sẽ giải quyết được một loạt vấn đề, nhất là tình trạng “trên nóng mà dưới không nóng”.
Bài 1: Chống tham nhũng, tiêu cực và mệnh lệnh ‘không vùng cấm, không ngoại lệ’

Bài 1: Chống tham nhũng, tiêu cực và mệnh lệnh ‘không vùng cấm, không ngoại lệ’

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không được né tránh, cầm chừng, không “ngừng”, không “nghỉ”, không kể đó là ai, không có vùng cấm.