- Báo cáo cho thấy Singapore là điểm đến tốt nhất về mọi mặt cho các chuyên gia nước ngoài, trong khi đó Việt Nam xếp thứ 2 trong số 6 nước ASEAN và xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Khảo sát mới nhất của HSBC cho thấy, lần thứ 2 liên tiếp, Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng 45 quốc gia trong cuộc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của các chuyên gia nước ngoài. Các chuyên gia nước ngoài tại đảo quốc này gặt hái những kết quả xứng đáng về mặt tài chính và được tạo cơ hội tuyệt vời để phát triển sự nghiệp, đồng thời tận hưởng một cuộc sống chất lượng và môi trường thân thiện, an toàn cho gia đình của họ.

Hơn 60% chuyên gia nước ngoài tại Singapore cho rằng đảo quốc này là một nơi thuận lợi để phát triển sự nghiệp và 62% công nhận rằng thu nhập của họ tăng lên kể từ lúc họ chuyển đến làm việc tại đây (tỷ lệ tương ứng của toàn cầu là 43% và 42%). Thu nhập trung bình của chuyên gia nước ngoài tại Singapore là 139.000 đô-la Mỹ/năm (so với toàn cầu là 97.000 đô-la Mỹ/năm). Gần 1/5 số người tham gia khảo sát cho biết họ kiếm được hơn 200.000 đô-la Mỹ/năm (cao hơn gấp đôi tỷ lệ 11% của toàn cầu).

{keywords}

Singapore là điểm đến tốt nhất về mọi mặt cho các chuyên gia nước ngoài, trong khi đó Việt Nam xếp thứ 2 trong số 6 nước ASEAN.

Nhìn chung, 2/3 số chuyên gia nước ngoài nói rằng Singapore có chất lượng sống tốt hơn và 3/4 (tỷ lệ cao nhất trong các quốc gia) cho rằng chất lượng giáo dục tại đây tốt hơn đất nước của họ.

Bảng xếp hạng năm nay ghi nhận vị trí thứ 19 của Việt Nam, cải thiện khá nhiều so với vị trí thứ 25 năm ngoái. Nếu chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á với 6 nước được xếp hạng (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), Việt Nam giữ vị trí thứ 2.

Khoảng 35% chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam nói rằng đây là thị trường lý tưởng để phát triển sự nghiệp. Ba lý do phổ biến nhất thúc đẩy các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam là để tìm kiếm thách thức mới (46%), đi theo điều chuyển của nhà tuyển dụng (26%) và muốn cải thiện chất lượng sống (24%). Đề cập đến thu nhập, 35% nói rằng làm việc tại Việt Nam giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn so với tại quê nhà. Cụ thể, thu nhập trung bình của các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam là 103.000 đô-la Mỹ/năm. Trong phạm vi các nước ASEAN tham gia khảo sát, mức thu nhập này chỉ thấp hơn Singapore khoảng 25% và gần bằng Malaysia (104.000 đô-la Mỹ). Đáng lưu ý là số lượng chuyên gia nước ngoài có thu nhập hơn 200.000 đô-la Mỹ/năm chiếm 14%.

Các trung tâm kinh tế như TP.HCM hay Hà Nội trở thành những điểm ưa thích. Tại TP.HCM, ước tính hiện có khoảng 30 ngàn chuyên gia nước ngoài đang làm việc và sinh sống, trong tổng số hơn 80 ngàn lao động nước ngoài trên toàn quốc.Triển vọng tăng trưởng kinh tế và sự ổn định chính trị là những sức hút nổi bật của Việt Nam với 72% chuyên gia nước ngoài tin tưởng vào nền kinh tế và 62% đánh giá cao tính ổn định về chính trị.

Xét về từng góc độ cụ thể, Thụy Sĩ dẫn đầu bảng xếp hạng về kinh tế năm thứ 2 liên tiếp do mang đến sự hài lòng cho các chuyên gia nước ngoài (87%) về tài chính và yên tâm về nền kinh tế vững mạnh.

New Zealand dẫn đầu bảng xếp hạng về tiêu chí Trải nghiệm. 83% chuyên gia đánh giá cao môi trường của đất nước này (so với tỷ lệ 52% trên toàn cầu) và 72% cho biết họ dễ dàng hòa nhập với người dân và văn hóa bản địa.

Trong khi đó, Thụy Điển được xem là một môi trường tuyệt vời cho gia đình. Gần 3/4 số chuyên gia nước ngoai đánh giá rằng con cái họ có chất lượng sống tốt hơn tại quê nhà. 46% cho rằng chất lượng giáo dục tại Thụy Điển tốt hơn và 72% cho rằng chi phí giáo dục rẻ hơn.

Ông Dean Blackburn, Giám đốc Khối Chuyên gia nước ngoài, Tập đoàn HSBC, cho biết, các chuyên gia đều nhất quán trong quan điểm rằng chuyển ra nước ngoài làm việc giúp họ đạt được các kỳ vọng về sự nghiệp và mục tiêu tài chính dài hạn, từ việc đưa con cái tiếp cận với một nền giáo dục tốt hơn cho đến đầu tư vào bất động sản và tiết kiệm hưu trí.

Ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, HSBC Việt Nam, cho rằng, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế năng động nhất Châu Á, vì vậy, không có gì là bất ngờ về việc đất nước này trở thành một điểm đến hứa hẹn cho nhiều chuyên gia nước ngoài đang tìm kiếm cả cơ hội và thách thức để phát triển sự nghiệp của họ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh về kinh tế, Việt Nam cần tập trung hơn vào cải thiện môi trường, các chương trình giáo dục và các dịch vụ tài chính để nâng cao trải nghiệm cho các chuyên gia nước ngoài và gia đình của họ. Về mặt tài chính, sự kết nối quốc tế, sự đầu tư đáng kể vào các nền tảng trực tuyến và những nỗ lực không ngừng để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng mà một số ngân hàng trên thị trường đang triển khai gần đây chính là một hướng tiếp cận đúng đắn có thể làm hài lòng phân khúc khách hàng đặc biệt này.

Huấn Tú