Trong cuộc trả lời phỏng vấn VietNamNet sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11), Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đánh giá, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn, định hướng cho tương lai quan hệ hai nước.

Năm 2022, kỷ niệm 72 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ hai nước những năm gần đây, đặc biệt là sau phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc vừa qua? 

Trong những năm trở lại đây và đặc biệt từ đầu năm đến nay, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã duy trì, trao đổi rất thường xuyên; sự trao đổi này đã xác định vai trò, định hướng đối với sự phát triển chung của hai nước.

Các lãnh đạo cấp cao khác cũng duy trì trao đổi thường xuyên, ví dụ như hai Trưởng Ban tổ chức Trung ương, hai Trưởng Ban Tuyên Tuyên giáo Trung ương, rồi Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Phó Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc; các đồng chí lãnh đạo phụ trách của Ban Đối ngoại cũng như các bộ, ngành khác vẫn duy trì trao đổi điện đàm trực tuyến.

Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo tác song phương Trung Quốc-Việt Nam diễn ra vào tháng 7 tại thành phố Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Tại đây, hai bên trao đổi về tất cả mọi lĩnh vực đã triển khai hợp tác và tiềm năng trong thời gian tới, phiên họp đã thành công rất tốt đẹp.

Ngoài ra, hai Bộ trưởng Quốc phòng cũng đã cùng chủ trì hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới hồi tháng 4 đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết 13 văn kiện hợp tác.

Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Bí thư tỉnh Vân Nam đã có cuộc trao đổi trực tuyến với Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh miền Bắc Việt Nam. 

Trong các lĩnh vực khác, hai nước đã tăng cường hợp tác khắc phục những khó khăn của đại dịch, duy trì thông quan hàng hóa và trao đổi thương mại.

Chúng ta đã có những thành quả rất đáng mừng. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch song phương vào năm 2021 đã đạt 230 tỷ USD. Những con số ấn tượng đó tiếp tục duy trì trong năm 2022. Theo thống kê từ phía Trung Quốc, 9 tháng đầu năm nay kim ngạch song phương đã đạt đến 170 tỷ USD.

Năm 2022, hợp tác trong phòng chống dịch giữa hai nước là một điểm nhấn, Trung Quốc đã cung cấp nhiều vắc xin cho Việt Nam thông qua hai hình thức viện trợ và đặt mua thương mại. Các tỉnh biên giới hai nước cũng hỗ trợ, phối hợp với nhau.

Hai nước đang lên kế hoạch để nối lại các hoạt động giao lưu nhân dân, khi đã khôi phục được 4 chuyến bay thẳng. Chúng tôi rất hoan nghênh và khuyến khích các du học sinh Việt Nam quay lại Trung Quốc học tập.

Có thể khẳng định, hợp tác kinh tế thương mại và hợp tác phòng chống dịch đều là điểm đáng chú ý của quan hệ hai nước trong năm 2021-2022.

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ đối mặt những cơ hội và thách thức nào trong thời gian tới? Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là về thương mại và đầu tư? Sau thành công của Đại hội XX, Trung Quốc có những chính sách nào để thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước?

Xét từ cơ hội hợp tác, tôi cho rằng quan hệ hai nước nổi bật nhất là thế mạnh chính trị. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, do nhân dân làm chủ, lấy nhân dân làm trung tâm, hai nước đều duy trì sự ổn định lâu dài về mặt chính trị và xã hội.

Việt Nam và Trung Quốc đã xác định những mục tiêu phát triển trong 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm. Sự phát triển quan hệ song phương có thể căn cứ từ những mục tiêu đó để đưa ra một tầm nhìn dài hạn. Với thế mạnh trong quan hệ hai nước có tính ổn định và có thể dự báo được.

Một cơ hội và thế mạnh nữa là trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Khi hai nước có tính bổ trợ lẫn nhau, những sản phẩm mà Trung Quốc có thế mạnh, có ưu thế thì Việt Nam cũng có nhu cầu. Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ gắn bó mật thiết trong chuỗi cung ứng, là hai nước láng giềng cho nên chúng ta có điều kiện tốt để kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông.

Chuyến tàu hàng hóa quốc tế khởi hành từ cảng quốc tế Tây An (Trung Quốc) đến Hà Nội vào ngày 23/8. Ảnh: VCG

Ngoài ra, các giai đoạn phát triển của hai nước đều tương đồng với nhau. Trung Quốc đang xây dựng, phát triển trong giai đoạn mới và thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Chúng tôi vừa kiên trì "lấy nội tại trong nước làm chủ thể, vừa tăng cường tuần hoàn kép quốc nội và quốc tế". Việt Nam thì đang đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra và đang chuyển đổi, nâng cao năng lực và lấy công nghiệp hóa làm mục tiêu chiến lược của quốc gia. Từ đây, hai quốc gia có thể tăng cường hợp tác, bổ trợ lẫn nhau.

Trong Tuyên bố chung lần này, hai bên nhấn mạnh "nhất trí tích cực tìm tòi giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực như phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế số...; tạo thêm nhiều điểm tăng trưởng cho hợp tác Việt-Trung". Các lĩnh vực này Trung Quốc đều có thế mạnh về kỹ thuật và Việt Nam cũng có nhu cầu. Đây sẽ trở thành tiềm năng phát triển hợp tác trong thời gian tới.

Nói đến thách thức trong quan hệ hai nước thì chủ yếu là đến từ môi trường bên ngoài và tình hình quốc tế biến động. Trong đó bao gồm cả những thách thức truyền thống và phi truyền thống đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đều có tác động đến Trung Quốc và Việt Nam.

Hai nước muốn phát triển thì cần môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và kinh tế cởi mở bao trùm, thương mại tự do. Nhưng hiện nay nổi lên những thách thức trong chủ nghĩa đa phương, bảo hộ thương mại và đứt gãy chuỗi cung ứng….

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đóng góp vào tăng trưởng thế giới, là đối tác thương mại lớn của các nước ASEAN. Trong khi đó, Việt Nam là thành viên quan trọng của ASEAN, luôn phát huy vai trò (trong tổ chức), sự phát triển của Việt Nam tràn đầy sức sống và sôi động.

Đại sứ Hùng Ba trả lời phỏng vấn.

Tôi có thể khẳng định, sau Đại hội XX, chính sách ngoại giao của Trung Quốc tiếp tục coi trọng Việt Nam, coi trọng quan hệ Trung-Việt; tiếp tục ủng hộ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chiến lược; tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi, nâng cao năng lực, phát triển kinh tế xanh và ứng phó với khí hậu.

Có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam đóng góp vào sự phát triển năng lượng tái tạo như xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời, điện từ rác thải.

Ví như ở Hà Nội, doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư xây dựng một nhà máy điện rác tại Sóc Sơn, có thể xử lý được một lượng lớn rác mỗi ngày của TP. Bí thư Thành ủy Hà Nội từng nói với tôi rằng, đã đến khảo sát nhà máy, ông cho biết công suất của nhà máy hiện lớn nhất miền Bắc, thậm chí cả Việt Nam. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang và đã xây dựng tổng cộng 4 nhà máy điện rác khác. Chi phí xây dựng nhà máy như này khá cao nhưng với sự quyết tâm bảo vệ môi trường và phát triển xanh thì Việt Nam đã làm được. Chúng tôi đánh giá rất cao

Trong một cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại sứ đã khẳng định Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu với Việt Nam. Đại sứ có thể chia sẻ những giải pháp để thúc đẩy cân bằng hơn thương mại và những cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới?

Tôi xin khẳng định lại, phía Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu trong giao thương với Việt Nam.

Mặt khác sự nhập siêu từ Việt Nam cũng đã thể hiện được thế mạnh phát triển khi có nhiều điều kiện tốt thu hút vốn đầu tư nước ngoài và rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển cơ sở sản xuất đến Việt Nam. Việt Nam đang trở thành nơi quan tâm của các doanh nghiệp.

Tất cả mọi ngành nghề đều có xu hướng quốc tế hóa, không thể nào sản xuất cả một sản phẩm tại một nơi nhất định, cần phải có công nghiệp hỗ trợ đầy đủ. Cho nên khi Việt Nam sản xuất một sản phẩm nào đó thì phải nhập khẩu các nguyên liệu và phụ kiện, linh kiện từ nước khác, trong đó Trung Quốc đã chiếm một phần lớn. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập siêu của Việt Nam. 

Để giải quyết vấn đề này cũng cần có thời gian. Về chính sách, Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu và chúng tôi cũng đang cố gắng áp dụng các biện pháp để thương mại hai bên cân bằng hơn. Việc này cũng được đưa vào trong Tuyên bố chung sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong ngắn hạn, Trung Quốc có thể nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm của Việt Nam như trái cây, thủy sản.

Còn trong trung và dài hạn, Trung Quốc sẽ tích cực tham gia hợp tác, nâng cao năng lực sản xuất các ngành nghề với Việt Nam, hỗ trợ chuyển đổi và nâng cấp lĩnh vực công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp hóa…

Tôi nghĩ rằng, vấn đề mất cân bằng thương mại chắc chắn sẽ được giải quyết song song với tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân tối 31/10. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ với báo chí, đã không ít lần Đại sứ đề cập mong muốn thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân dân hai nước, xin hỏi nỗ lực này đã và đang được thúc đẩy như thế nào? 

Tôi xin nhấn mạnh đến vai trò của giao lưu giữa nhân dân bởi đây là nền tảng quan trọng của quan hệ bất cứ quốc gia nào. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng đã có nhiều nhận thức chung quan trọng và ngay trong chuyến thăm vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được. Để có thể chuyển những nhận thức này thành hành động thiết thực, thúc đẩy sự phát triển quan hệ thì sự hiểu biết, thấu hiểu và ủng hộ của nhân dân hai nước có vai trò quan trọng.

Lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Chính phủ đều coi trọng giao lưu nhân dân. Khi các nhà lãnh đạo hai nước trao đổi hữu nghị, thân tình đã trở thành hình mẫu của nhân dân hai nước

Trong hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường giao lưu nhân dân hai nước, đặc biệt là tăng cường sự hiểu biết và quan tâm lẫn nhau của thế hệ trẻ. Để thực hiện được mục tiêu đó, biện pháp chính là tăng cường giao lưu, tiếp xúc giữa thế hệ trẻ hai nước.

Trong thời đại thông tin đại chúng, chúng tôi rất mong thế hệ trẻ hai nước có thể thông qua internet và phương tiện khác trao đổi, hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta cũng có thể tận dụng qua các kênh báo chí để kết nối thế hệ trẻ.

Xét về góc độ chính trị, trong hội đàm và trong Tuyên bố chung của hai nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường tuyên truyền về mối tình hữu nghị Trung-Việt. Ban Tuyên giáo Trung ương của hai Đảng cũng đã xây dựng được một cơ chế hợp tác trong lĩnh vực này và sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Với nhiều dư địa, nguồn lực phong phú để thực hiện việc này, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền quan hệ hữu nghị có từ lâu đời của hai Đảng để nhân dân hai nước hiểu được tình cảm truyền thống đó. 

Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa, du lịch, nghệ thuật… cũng vậy. Tôi được biết có nhiều bộ phim truyền hình Trung Quốc mà người dân Việt Nam hâm mộ và cũng có nhiều ngôi sao của Trung Quốc được giới trẻ Việt Nam yêu thích. 

Ở Việt Nam có số lượng lớn học sinh, sinh viên học tiếng Trung. Đây cũng là cầu nối hiệu quả trong giao lưu giữa hai nước.

Trong chuyến thăm vừa qua, hai bên đã tuyên bố, trong 5 năm tới, cung cấp cho Việt Nam không dưới 1.000 suất học bổng Chính phủ Trung Quốc và không dưới 1.000 suất học bổng dành cho giáo viên tiếng Trung Quốc; giúp đỡ Việt Nam bồi dưỡng nhân tài chất lượng cao và giáo viên tiếng Trung Quốc.

Chúng tôi rất mong thông qua chuyến thăm vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hoạt động giao lưu nhân dân sẽ tiếp tục được tăng cường hợp tác.