Năm tháng trôi đi, vậy là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vĩnh biệt chúng ta được 4 năm tròn, (ngày 30/8 âm lịch 2013 – 30/8/2017). Bốn năm rồi nhưng bao kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng vẫn luôn hiện về trong tâm trí tôi, lòng xúc động bồi hồi và thương tiếc “Anh” vô hạn.
Nhớ lại những ngày đầu tiên được về phục vụ Đại tướng, mỗi lần Đại tướng xưng Anh – em để lại trong tôi một tình cảm rất đỗi gần gũi, thân thương. Với tôi “Anh” còn hơn cả Thủ trưởng, “Anh” như một người Cha, người Thầy, người thân trong gia đình.
Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được phục vụ Đại tướng, một vị Đại tướng “Nhân, Trí, Dũng, Liêm, Trung”; những năm tháng được sống và làm việc bên cạnh Đại tướng tôi càng hiểu thêm về con người và sự nghiệp của Người.
Ngược dòng lịch sử, năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911) cũng là năm Đại tướng chào đời. Nhớ lại những lần được nghe, được đọc những gì về Đại tướng, tôi được biết ngay từ khi còn nhỏ Đại tướng đã học rất giỏi. Giáo sư Nguyễn Thúc Hào – người đỗ thủ khoa vào Trường Quốc học Huế năm 1925, người học cùng lớp với Đại tướng kể lại: “Năm đó tôi đỗ thủ khoa còn Võ Nguyên Giáp Á khoa. Trong lớp, hai chúng tôi ngồi gần nhau, anh Giáp hơn tôi một tuổi nhưng đã có những suy nghĩ của người lớn; còn tôi lúc ấy chỉ là một cậu bé chăm học, ngoan và dễ bảo thôi.
Đã 4 năm ngày Đại tướng ra đi... Ảnh: VietNamNet |
Khi vào học, Anh Giáp luôn đứng đầu. Điều đó chứng tỏ anh Giáp “học tài” hơn tôi, thông minh hơn tôi”. Cũng chính vì Đại tướng có những “suy nghĩ của người lớn” mà năm 1925, mới 14 tuổi Đại tướng đã tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1929 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng, cùng một số đồng chí cải tổ Đảng Tân Việt cách mạng thành Việt Nam Cộng sản Liên Đoàn (sau là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn), một trong ba tổ chức hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1930 bị bắt trong vụ cứu tế Nghệ An đỏ ở nhà in báo “Tiếng dân” bị kết án 2 năm tù.
Ra tù mất liên lạc với tổ chức; một thời gian sau ra Hà Nội dạy học ở Trường Thăng Long vừa tham gia hoạt động cách mạng, tuyên truyền và gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh; tham gia Mặt trận dân chủ, thành lập báo Hồn Trẻ, cùng một số đồng chí sáng lập và biên tập các báo Le Travail (lao động), báo Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta), báo En Avant (Tiến lên), báo Rassemblent (Tập hợp), viết các báo Đời nay, Tin tức, Thời báo, Cờ Giải phóng.
Năm 1940, Đại tướng được cử sang Trung Quốc gặp Bác Hồ. Đầu năm 1941về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng. Tháng 12/1944, được Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Sau này như chúng ta đã biết, năm 1948, khi mới 37 tuổi “Anh” được Bác Hồ nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong quân hàm Đại tướng và Người đã trở thành một Vị tướng huyền thoại. Nhưng có thể trong chúng ta nhiều người chỉ biết Đại tướng là vị tướng tài ba trong chiến tranh mà không biết rằng những đóng góp to lớn của Đại tướng trên các lĩnh vực khác. Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1976 Đại tướng đã được Bộ Chính trị và Thường vụ Chính phủ phân công chỉ đạo công tác khoa học kỹ thuật và sau đó là cả công tác giáo dục và đào tạo. Với kiến thức uyên bác, tầm nhìn chiến lược lại có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú trong Quân đội, Đại tướng đã kiện toàn hệ thống tổ chức khoa học ở các cấp, các ngành. Đặc biệt, Đại tướng là người đã sớm thấy được tầm quan trọng của Biển, Đảo, Đại tướng đã chỉ đạo nghiên cứu “Chiến lược về kinh tế biển và khoa học kỹ thuật về biển. Tại Hội nghị lần thứ nhất về Biển ở Nha Trang ngày 02/8/1977, Đại tướng đã nói:
“Bước vào giai đoạn mới sau khi nước nhà đã được hoàn toàn giải phóng, chúng ta đã làm chủ toàn bộ biển cả thì có một sự cần thiết cấp bách là phải nhanh chóng tập hợp lực lượng cán bộ khoa học và kỹ thuật nghiên cứu về Biển của chúng ta để hiểu biết và sử dụng biển cả đó tốt hơn”…
“Muốn trở nên một nước hùng mạnh về kinh tế và quốc phòng, nhất định phải coi trọng xây dựng kinh tế miền Biển”….
Khi Đại tướng mất, đã có khoảng 30 vạn người dân vào viếng tại 30 Hoàng Diệu. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Còn về công tác giáo dục và đào tạo, Đại tướng đặc biệt quan tâm đến vấn đề vừa học vừa làm, đến hệ thống trường dạy nghề. Khi đã gần 100 tuổi Đại tướng còn viết bài Cần đổi mới có tính cách mạng nền Giáo dục và Đào tạo của nước nhà: “…Trước hết, cần đổi mới tư duy về quan điểm và mục tiêu giáo dục và đào tạo, từ đó mà đổi mới chương trình, nội dung, phương châm, phương pháp giáo dục, đổi mới hệ thống tổ chức, công tác quản lý và hệ thống chính sách nhằm hiện đại hóa nền giáo dục…”
Nói về những đóng góp của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng cũng như sự phát triển của đất nước, có lẽ chúng ta còn phải nói nhiều, rất nhiều. Kỷ niệm ngày ra đi của Đại tướng, tôi chỉ muốn nói: Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng luôn là tấm gương sáng cho mọi thế hệ chúng ta học tập, noi theo. Đại tướng sẽ còn mãi mãi trong lòng mỗi người dân chúng ta; điều đó được thể hiện qua những vần thơ,
câu đối mà mọi người viết về Đại tướng khi còn sống cũng như khi Người đã đi xa:
Đó là câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu viết cho Viện Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh tặng Đại tướng:
Võ Công truyền quốc sử
Văn đức quán nhân tâm.
Hay như câu đối của Bộ Nội vụ tặng:
Tâm sáng Đảng tin đời trường thọ
Trí cao dân mến sử lưu danh.
Khép lại bài viết này tôi xin phép được đăng bài thơ của bác Đoàn Hồng Căn ở Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, bài thơ của bác là một trong số hàng ngàn bài được viết lúc Đại tướng vừa mới ra đi, bài “Ngôi sao Đại tướng”:
Dẫu biết Người đi đúng luật đời
Mà sao nước mắt cứ tuôn rơi
Cốt hồn Đại tướng hòa sông núi
Phủ nỗi tiếc thương khắp biển trời.
Võ giỏi vinh danh toàn thế giới
Văn tài vang vọng đến muôn nơi
Kẻ thù khâm phục, dân ca ngợi
Nguyên Giáp – Điện Biên mãi sáng ngời.
Thượng tá Lê Văn Hải