Sang phiên chiều 7/12, áp lực bán tăng mạnh thêm. Chỉ số VN-Index có lúc xuống dưới ngưỡng 1.040 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch 7/12, chỉ số VN-Index giảm 7,67 điểm xuống 1.041,02 điểm. HNX-Index giảm 1,35% xuống 209,93 điểm. Upcom-Index cũng mất hơn 1,2%.
Nhiều mã bất động sản giảm sàn sau một đợt tăng mạnh như: DIG, DXG, PDR, NVL, CRE, LDG, NBB... Tuy nhiên, cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng trần 4.600 đồng lên 71.200 đồng/cp
Mở cửa phiên giao dịch sáng 7/12, thị trường chứng khoán tiếp tục chịu áp lực bán từ phiên liền trước. Tuy nhiên, nhiều mã cổ phiếu trụ cột, trong đó có nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gồm Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) tăng khá mạnh sau khi có thông tin hãng xe VinFast nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ.
Tới 9h45, cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng 3.400 đồng lên 70.000 đồng/cp và là trụ đỡ cho thị trường chứng khoán, qua đó giúp VN-Index tăng khoảng 6 điểm lên 1.055 điểm.
Cổ phiếu Vinhomes (VHM) tăng nhẹ 200 đồng lên 55.200 đồng/cp, trong khi Vincom Retail (VRE) tăng 850 đồng, lên 30.200 đồng/cp.
Theo CNBC, Công ty con của Vingroup - VinFast Singapore - đã nộp đơn để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ và dự kiến niêm yết trên sàn công nghệ Nasdaq, cùng với các cái tên như Tesla của tỷ phú Elon Musk, hay Apple của Tim Cook.
Theo đó, ngày 7/12, Công ty VinFast Trading & Investment Pte. Ltd. (VinFast Singapore) công bố đã nộp hồ sơ đăng ký lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO).
Đây là bước đi chính thức đầu tiên của VinFast để thực hiện IPO trong năm 2023.
VinFast Singapore là công ty con thuộc Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Vingroup hiện sở hữu 51,52% vốn của VinFast Singapore.
VinFast Singapore trong khi đó sở hữu trực tiếp 99,9% vốn tại Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast Việt Nam). Hồi tháng 12/2021, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chuyển toàn bộ số cổ phần của VinFast Việt Nam sang cho VinFast Singapore.
VinFast Singapore hiện chưa công bố số lượng cổ phần và giá dự kiến chào bán, nhưng cho biết sẽ niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã “VFS” sau khi hoàn thành IPO.
Hồi tháng 3, VinFast Singapore công bố kế hoạch xây nhà máy trị giá 2 tỷ USD tại Bắc Carolina và sẽ giao những chiếc xe đầu tiên tới khách hàng tại Mỹ vào cuối năm.
Trên thực tế, cuối tháng 11, VinFast đã xuất khẩu lô 999 xe điện VF8 đầu tiên tới Mỹ. VinFast dự kiến xuất khẩu các lô xe VF8 tiếp theo tới Canada và châu Âu trong năm 2023. Đây là loạt xe trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast loại SUV: VF8 và VF9 trên toàn cầu.
Theo CNBC, VF8 và VF9 có giá khởi điểm tương ứng 57.000 USD và 76.000 USD. Bản thuê pin có giá thấp hơn, tương ứng 42.000 USD và 57.500 USD. Giá thuê pin là 169 USD/tháng đối với VF8 và 219 USD/tháng với VF9.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa. Vietcombank (VCB) tăng khá mạnh thêm 1.100 đồng lên 81.100 đồng/cp. BIDV (BID) tăng nhẹ. Vietinbank (CTG), HDBank (HDB), MBBank (MBB), VPBank (VPB), TPBank (TPB) đứng giá. Trong khi đó, Techcombank (TCB) và ACB giảm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản chịu áp lực bán sau một đợt hồi phục khá dài. Novaland (NVL) tiếp tục bị bán mạnh và giảm sàn xuống 19.200 đồng/cp, với dư bán lên gần 8 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến tích cực khi thanh khoản trên thị trường tăng.