Áp lực mất đơn hàng
Thống kê mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, xếp sau Trung Quốc. Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong năm 2020 tăng 6,4%, giá trị đạt 29 tỷ USD.
Xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam cũng có thông tin đáng mừng. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hết ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam đạt hơn 3,7 tỷ USD, tăng hơn 1,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Xét kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này thời gian qua cho thấy có sự gia tăng mạnh mẽ: năm 2017 đạt hơn 4,4 tỷ USD, năm 2018 đạt hơn 4,9 tỷ USD, năm 2019 đạt hơn 5,6 tỷ USD và năm 2020 đạt hơn 5,7 tỷ USD. Điều này cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm gia nhập chuỗi cung ứng trên thị trường xe hơi toàn cầu và khu vực.
Xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam tăng từng năm |
Lãnh đạo một doanh nghiệp Việt Nam, đang cung cấp ghế ngồi cho hãng xe tại Nhật Bản, cho biết: Phải mất 3 năm, DN mới được phía đối tác chuyển giao toàn bộ dây chuyền sản xuất ghế lái cho xe sedan. Ban đầu đi từ đơn hàng nệm ghế da, sau đó thuộc da, hiện nay là toàn bộ cấu kiện liên quan đến thiết bị điều chỉnh cơ và điện tử cho ghế xe, bao gồm cả ghế lái. Doanh nghiệp Việt Nam đang đi sâu vào chuỗi và được giao làm nhiều chi tiết phức tạp hơn.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đang rất lo lắng bởi dịch Covid lần thứ 4 bùng phát vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh, khiến chuỗi cung ứng mất bao công gây dựng hiện nay có nguy cơ bị đứt gãy.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), lo ngại, những trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn nhất của đất nước đã bị dịch bệnh càn quét. Dệt may và các doanh nghiệp Vinatex cũng chung hoàn cảnh. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa để chống dịch, việc giữ chân người lao động rất khó khăn, nhiều lao động đã bỏ về quê.
Điều này ảnh hưởng đến sản xuất và cung ứng hàng hóa cho đối tác. Tình hình còn phức tạp hơn khi các doanh nghiệp đều đang có hợp đồng với đối tác nước ngoài, có trách nhiệm pháp lý đi kèm, với lợi ích hoặc thiệt hại về kinh tế - ông Trường nói.
Đại diện doanh nghiệp sản xuất ghế lái ô tô chia sẻ, nỗi lo lắng lớn nhất với DN hiện nay là phải đảm bảo thời gian giao hàng cho đối tác. Tuy nhiên, do đầu vào gặp khó về nguồn cung ứng và vận chuyển, cùng với việc giữ chân người lao động rất căng thẳng, sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất và giao hàng. Nếu không giao hàng đúng hẹn, có thể dẫn đến bị loại khỏi chuỗi cung ứng, đối tác sẽ tìm nguồn cung khác.
“Trong nguy có cơ”?
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua. Tháng 7 dịch Covid-19 bùng phát mạnh, đặc biệt ở các tỉnh trọng điểm phía Nam. Đó cũng là lý do khiến chỉ số sản xuất công nghiệp của nhiều địa phương khu vực này giảm mạnh.
DN3.jpg |
Để duy trì sản xuất, nhiều địa phương đã áp dụng mô hình “3 tại chỗ” nhằm tạo lập các khu sản xuất an toàn, bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng. Tuy nhiên, nhiều nhà máy không đáp ứng được yêu cầu này bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ cho hàng nghìn lao động.
Không những thế, trong những ngày qua đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình này ở một số nhà máy, bởi các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng.
Bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay, 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp thành viên VASI có tăng trưởng tốt hơn năm ngoái nên nhiều doanh nghiệp mở thêm nhà máy, tăng vốn hoạt động. Song, dịch bệnh đã lan vào khu công nghiệp, làm gián đoạn sản xuất.
Theo bà, nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động thì việc bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu là không tránh khỏi.
Nếu bị loại, việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài. Hiện các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics... đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp.
Việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng trong các ngành sản xuất, do đó, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội cũng như kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cũng có nhận định tương tự: Do tác động của dịch bệnh và biện pháp chống dịch tại các địa phương, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị tê liệt, đình trệ, đẩy hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực vào tình trạng đã hoặc sẽ phải đóng cửa, dừng hoạt động; không thể trả lương cho hàng triệu lao động, thậm chí nguy cơ cao mất thị trường vào tay các nước đối thủ.
Theo giới chuyên môn, dịch bệnh đáng lo ngại, nhưng nếu có sự chuẩn bị tốt thì chắc chắn “trong nguy có cơ”. Giải pháp quan trọng nhất vẫn phải là mở rộng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong các khu công nghiệp, điều này sẽ giúp cho người lao động và doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Đồng thời, giảm chi phí thuê mặt bằng, tiếp tục có các chính sách ân hạn, giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí trong một thời hạn nhất định, cũng như tiếp tục các chính sách ưu đãi về thuế, phí để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp phía Nam có đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”. Cùng với đó là xây dựng một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc, để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh.
Trần Thủy
Lưu thông 'mạch máu', giữ vững vị trí trong chuỗi sản xuất toàn cầu
Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương vừa có báo cáo đề xuất về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong dịch Covid-19.