Qua nhiều đời, lãnh đạo Hàn Quốc bỏ qua những cơ hội kiếm tiền để bảo vệ di sản cha ông, chấp nhận rủi ro đường công danh để cải thiện môi trường sống cho thành phố.

'Đất hoang' giữa thủ đô

Thời gian gần đây, Hàn Quốc nổi lên như một mô hình phát triển kinh tế mới, thành công đến mức độ được thế giới gọi là “Điều kỳ diệu trên sông Hàn”. Chỉ trong vòng hơn 20 năm, Hàn Quốc đã từ một nước nghèo đói vào bậc nhất châu Á, lại còn bị tàn phá bởi chiến tranh, đã vươn lên thành nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới.

Như vậy đây phải là một chính phủ rất giỏi làm kinh tế? Những gì trông thấy rất có thể sẽ làm bạn ngạc nhiên.

Điều “ngạc nhiên” đầu tiên là giữa thủ đô Seoul đất chật người đông, giá đất đắt lè lưỡi mà Hàn Quốc vẫn để 3 cái cung điện to đùng ngay trung tâm thành phố,  diện tích Gyeongbokgung là 40 ha, Changdeogung 58ha, còn cung Deoksugung hơn 10ha ngay cạnh Toà thị chính.  

Các cung điện ấy theo kiến trúc cổ từ thế kỷ 14 -15 nên toàn nhà một tầng, làm bằng gỗ, không có gì hoành tráng lắm so với các cung điện phương Tây hay sơn son thiếp vàng, chạm trổ như cung điện Nhật Bản, Trung Quốc… Tuy nhiên, chính phủ lại gìn giữ những cung điện ấy như báu vật quốc gia, không hề coi đó là di tích thời phong kiến lạc hậu mà còn rất tự hào về di sản của dân tộc.  

Mặc dù các cung điện ấy nằm ngay khu trung tâm thành phố nhưng các toà nhà mới, hiện đại, hoành tráng như Toà Thị chính Seoul (tương đương Uỷ ban Nhân dân của thành phố) hay các cao ốc của các tập đoàn lớn như Samsung, SK, LG…đều phải xây thấp tương đương hoặc cách xa để không che lấp tầm nhìn của cung điện.  

Đã thế trong khuôn viên cung chỉ khoảng 10 - 20% là có công trình xây dựng hay vườn hoa, cây cảnh, còn lại toàn để hoang sơ như rừng, mùa khô nguy cơ cháy rất cao. Giữa trung tâm thành phố mà tự dưng có mấy khu rừng rất tĩnh mịch, làm chỗ cư trú cho chim muông với thỏ, sóc trong khi chẳng thu được đồng nào của bọn này.  

Nhìn sơ qua cũng thấy mỗi ngày phải có hàng trăm nhân công duy tu, bảo dưỡng, làm vườn mà vé bán 8 - 10$/người, không bõ bèn gì trong khi giá 1m2 căn hộ ở Seoul trung bình là 14 ngàn $, giá cho thuê văn phòng cũng ngất ngưởng không kém.  

Rõ ràng nếu Chính phủ Hàn Quốc đem giao những khu ấy cho tư nhân, chỉ giữ vài cái nhà cổ làm phép, còn lại xây nhà cao tầng để bán và cho thuê thì tiền thu về 1 năm bằng bán vé du lịch mấy trăm năm. Vậy họ làm kinh tế kiểu gì thế nhỉ??? 

{keywords}
'Cây học giả' ở cổng vào Changdeokgung. Ảnh: Nguyễn Hoàng Ánh

Vị thị trưởng 'không giống ai'

Nếu tìm hiểu lịch sử, ta sẽ càng ngạc nhiên khi biết sự “dại dột” này có từ cả trăm năm nay rồi vì khi thời kỳ Nhật đô hộ chấm dứt năm 1911, kết thúc vương triều phong kiến, bắt đầu chính thể cộng hoà, chính phủ vẫn giữ nguyên cả 5 cung điện và thái miếu, lăng mộ mênh mông của các triều vua.  

Mặc dù Nhật đã phá huỷ rất nhiều công trình trong các cung điện, chính phủ thời hậu chiến đã nghèo lại còn phải chiến đấu với Bắc Triều Tiên nhưng họ vẫn không nhân cơ hội ấy thu hẹp cung điện, lấy đất kinh doanh.  

Ngược lại họ còn bỏ tiền ra xây dựng lại tất cả các cung điện và mở cửa cho thăm quan. Trong các cung vẫn trưng bày lịch sử hoàng gia, giới thiệu các thành viên ai còn ai mất chứ không hề lên án họ lạc hậu, không theo kịp tư tưởng chói sáng đương thời.  

Điều ngạc nhiên tiếp theo là cả trong cung, trên đường phổ Seoul có rất nhiều cây cổ thụ, nhiều cây quăn queo, ngoằn ngoèo nhưng bao năm qua, chính quyền không hề đặt vấn đề thay thế, thu gỗ quý, lại còn làm bệ đỡ, đặt lưới gang để bảo vệ, quá tốn kém.  

Thậm chí ngay cổng vào Changdeokgung có 8 cây to đùng, nứt nẻ được chăm như em bé, hỏi ra thì họ bảo thời trước mấy học giả thường ngồi làm thơ, đàm đạo dưới mấy cây này nên chúng được gọi là "cây học giả - scholar trees", không bỏ được.

Không những chính quyền Trung ương “dại dột”, mà chính quyền thành phố Seoul cũng “dại” không kém. Trong suốt thời gian từ 2003 -2005, Seoul đã bỏ ra hơn 900 triệu USD để cải tạo dòng suối Cheonggyecheon.  

Dòng suối này có từ thế kỷ 14 dưới triều Joeon với tên là Gaecheon ("suối mở") để xây dựng một hệ thống thoát nước trong kinh đô. Bắt đầu từ đời vua Taejong, vị vua thứ ba của triều Joseon, công việc nạo vét, đắp bờ hai bên bờ suối và xây cầu cho người dân đi lại được tiến hành cứ mỗi 2-3 năm một lần. Vua Yeonjo sau này cũng đưa ra các chính sách biến việc củng cố và cải tạo dòng suối là một công việc quan trọng của quốc gia.  

Sau thời gian chiến tranh, dòng Cheonggyecheon dần bị lãng quên và thậm chí từ năm 1958 đã bị lấp hẳn để làm đường cao tốc. 

Mặc dù khu vực ấy đã trở thành nơi kinh doanh rất phát đạt, từng được coi là biểu tượng cho việc hiện đại hoá Seoul, nhưng Thị trưởng Lee Myung Pak, người sau này thành Tổng thống Hàn Quốc, vẫn quyết định triển khai dự án xóa bỏ đường cao tốc và cải tạo lại dòng suối Cheonggyecheon. Đó là một quyết định rất khó khăn bởi không những Seoul phải xóa bỏ một con đường cao tốc mà còn bởi sau chừng ấy năm phát triển đô thị, dòng suối Cheonggyecheon đã gần như đã cạn kiệt. Để duy trì dòng suối, mỗi ngày người ta phải bơm 120,000 khối nước từ sông Hàn vào.

Bất chấp mọi khó khăn, ông Lee Myung Pak vẫn coi việc cải tạo suối Cheonggyecheon là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vì nó phù hợp với mục tiêu đưa thành phố Seoul hòa mình vào thiên nhiên,thân thiện với môi trường.  

Ngoài ra, ông cũng kỳ vọng phục hồi lại những nét lịch sử và văn hóa trong khu vực vốn đã bị thất lạc trong vòng 30 năm qua như việc cải tạo hai cây cầu lịch sử Gwangtonggyo và Supyogyo cùng hình ảnh sinh hoạt của cư dân Seoul qua các triều đại.  

Ông Lee Myung Pak cùng các cộng sự phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích của các và nhà kinh doanh trong khu vực này và các đối thủ chính trị nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi dự án tâm huyết của mình.

Sau gần 3 năm xây dựng, suối Cheonggyecheon được mở cửa cho người dân vào tháng Chín năm 2005. Nhiều tiểu thương, nhà kinh doanh phải dời đi để nhường chỗ cho rất nhiều loại cá, chim chóc và côn trùng đến sinh sống trong và dọc theo dòng suối.  

Suối Cheonggyecheon cũng mang đến một bầu không khí mát mẻ cho khu vực lân cận với tầm nhiệt độ trung bình thấp hơn khoảng 3.6°C so với các khu vực khác của Seoul. Số lượng phương tiện giao thông đi vào trung tâm thành phố cũng đã giảm xuống trong khi số người sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng lại tăng lên. Rõ ràng, dòng Cheonggyecheon đã tạo ra một sức ảnh hưởng tích cực trong việc cải thiện môi trường không khí trong khu vực trung tâm Seoul. 

Tuy nhiên, nhìn lại các câu chuyện này, ta có thể thấy dù qua nhiều đời lãnh đạo, chính quyền trung ương của như địa phương của Hàn Quốc đều bỏ qua những cơ hội kiếm tiền dễ dàng nhờ kinh doanh bất động sản để bảo vệ di sản cha ông. Họ lại dễ dàng chấp nhận sự thật lịch sử, không kỳ thị quan điểm với những triều đại trước để tôn vinh thời của mình. Đặc biệt, họ chấp nhận rủi ro bị ảnh hưởng đến con đường công danh, hy sinh quyền lợi kinh tế trước mắt để cải thiện môi trường sống cho thành phố.

Vậy họ có dại dột quá không??? 

Nguyễn Hoàng Ánh