Không thua kém các công ty Mỹ như Google, Meta, OpenAI, các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc đã giới thiệu hàng loạt mô hình AI trong 18 tháng qua, tìm cách tận dụng con sóng lớn.

Tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu về AI khiến trận chiến công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ càng trở nên căng thẳng. Trung Quốc được xem là đi sau Mỹ trong mặt trận này nhưng đang bám đuổi sát nút.

Các ứng dụng AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI có khả năng tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh và thậm chí video từ lời nhắc (prompt) của người dùng. Chúng dựa trên những mô hình ngôn ngữ lớn, được đào tạo bằng lượng dữ liệu khổng lồ.

g81icgla.png
Các công ty Trung Quốc giới thiệu nhiều mô hình AI tạo sinh phục vụ các mục đích khác nhau. Ảnh: China Daily

Doanh nghiệp Trung Quốc thận trọng hơn khi công bố mô hình AI của riêng mình vì nước này đặt ra những quy tắc nghiêm ngặt.

Baidu: Ernie

Baidu, một trong những hãng Internet lớn nhất Trung Quốc, nằm trong số tiên phong ra mắt ứng dụng AI tạo sinh. Mô hình của công ty đứng sau Ernie Bot, chatbot AI hiện có hơn 300 triệu người dùng trong nước.

Baidu cho biết phiên bản mới nhất, Ernie 4.0, có năng lực không thua kém GPT-4 của OpenAI.

Alibaba: Tongyi Qianwen

Alibaba ra mắt mô hình Tongyi Qianwen vào năm 2023. Thường được gọi tắt là Qwen, Alibaba phát triển nhiều phiên bản khác nhau cho những nhiệm vụ khác nhau. Chẳng hạn, một mô hình chuyên sáng tạo nội dung hoặc giải toán. Mô hình khác lại hiểu được âm thanh đầu vào và đưa ra đầu ra bằng văn bản.

Một vài mô hình của Qwen là nguồn mở, đồng nghĩa lập trình viên có thể tải về tự do nhưng có vài hạn chế. Hồi tháng 5, Alibaba cho biết mô hình Qwen đã được hơn 90.000 người dùng doanh nghiệp ứng dụng.

Tencent: Hunyuan

Năm 2023, Tencent công bố mô hình Hunyuan. Các công ty có thể truy cập tính năng của Hunyuan qua đám mây.

Theo Tencent, mô hình có khả năng xử lý tiếng Trung mạnh mẽ và suy luận logic tiên tiến. Nó hỗ trợ các tính năng như tạo hình ảnh, nhận diện văn bản.

Tencent định vị Hunyuan như một mô hình dùng trong nhiều ngành công nghiệp, từ game đến mạng xã hội và thương mại điện tử. Năm nay, công ty đã giới thiệu chatbot AI dựa trên mô hình này. Trợ lý Yuanbao có thể lấy thông tin và nội dung từ WeChat.

Huawei: Pangu

Huawei áp dụng cách tiếp cận khác biệt so với các công ty đồng hương. Hãng tạo ra một số mô hình AI nhằm phục vụ khách hàng tại các lĩnh vực cụ thể như chính phủ, tài chính, sản xuất, khai mỏ, khí tượng. Chẳng hạn, mô hình khí tượng Pangu có thể dự đoán quỹ đạo của một cơn bão trong 10 ngày trong khoảng 10 giây, thay vì 4 đến 5 giờ như trước đây.

Các mô hình được bán qua mảng đám mây của Huawei.

ByteDance: Doubao

Chủ sở hữu TikTok năm nay mới ra mắt mô hình AI, khá trễ so với Baidu và Alibaba. Tuy nhiên, hãng cung cấp mô hình AI với giá rẻ hơn nhiều đối thủ. Doubao có thể tạo ra giọng nói, viết code...

(Theo CNBC)